Nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy xóa mù chữ, Lạng Sơn tổ chức bồi dưỡng công tác, sử dụng phần mềm trang thông tin điện tử lưu trữ dữ liệu xóa mù chữ.
530 học viên tham dự lớp tập huấn xóa mù chữ
Theo Kế hoạch số 49/KH-SGDĐT của Sở GD&ĐT về việc Thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng công tác xóa mù chữ và sử dụng phần mềm trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ.
Theo đó, lớp bồi dưỡng có hơn 530 học viên là lãnh đạo, chuyên viên, kế toán phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, kế toán, giáo viên bán chuyên trách, giáo viên phụ trách trang thông tin điện tử của 200 trung tâm học tập cộng đồng trên toàn tỉnh.
Tại lớp bồi dưỡng, các học viên được học tập, thực hành nhiều chuyên đề khác nhau như: Hướng dẫn thực hiện công tác xóa mù chữ và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng;
Hướng dẫn dự trù kinh phí, thanh toán, quyết toán kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, lớp xóa mù chữ, lớp chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng;
Xây dựng kỹ năng sử dụng phần mềm thống kê xóa mù chữ trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ. Đây là những chuyên đề quan trọng và cần thiết đối với cán bộ phòng GD&ĐT, lãnh đạo trung tâm học tập cộng đồng cũng như giáo viên bán chuyên trách, giáo viên phụ trách trang thông tin điện tử của các đơn vị.
Hiểu và biết thêm cách vận động người dân
Theo chia sẻ của bà Hà Thị Khánh Vân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn: “Công tác xóa mù chữ luôn được Lạng Sơn chú trọng, đặc biệt những năm qua chúng tôi đã bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp xóa mù chữ.
Để công tác xóa mù chữ hiệu quả hơn trong năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lớp bồi dưỡng lớp bồi dưỡng công tác xóa mù chữ và sử dụng phần mềm trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ”.
Bà Khánh Vân cũng cho biết thêm, các nội dung trong khóa bồi dưỡng tập trung triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác xóa mù chữ; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kế toán, cán bộ phụ trách trang thông tin điện tử xóa mù chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Bên cạnh đó qua các buổi bồi dưỡng, chúng tôi cũng lắng nghe những khó khăn trong quá trình triển khai ở các địa phương từ đó tìm cách khắc phục, tháo gỡ. Đặc biệt, những địa phương nào triển khai có hiệu quả chúng tôi sẽ nhân rộng để từ đó nâng cao chất lượng xóa mù chữ nhằm thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh hiệu quả”.
Còn theo ông Liễu Trọng Sang, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thông qua lớp bồi dưỡng xóa mù chữ nhằm nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phụ trách công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ; đồng thời qua tập huấn, thống nhất cách làm, thực hiện các biểu mẫu, phiếu điều tra... của huyện, về công tác xóa mù chữ.
Sau các lớp bồi dưỡng, cán bộ, giáo viên hiểu sâu hơn và vận dụng có hiệu quả các nội dung tập huấn vào công tác sử dụng, quản lý vận hành Trang thông tin điện tử xóa mù chữ tốt hơn.
Hướng dẫn chuyên sâu cho học viên có kỹ năng cập nhập theo bảng mẫu và cập nhập online hồ sơ các lớp xóa mù chữ; số liệu, chỉ số xóa mù chữ của xã, hồ sơ hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng trên Trang thông tin điện tử xóa mù chữ, kỹ năng viết tin bài, chuyên đề và quản lý vận hành. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Kết thúc khóa bồi dưỡng, cán bộ quản lý, giáo viên sẽ phải hoàn thành bài thu hoạch. 100% học viên cơ bản nắm được định hướng các hoạt động công tác xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ của ngành giáo dục và đào tạo, biết cách sử dụng, khai thác phần mềm trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ.