Nâng cao chất lượng y học quân sự
Bài 1: Thách thức từ chiến tranh công nghệ caoTrước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ngành Quân y đã tham mưu giúp Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều nội dung, biện pháp đột phá về xây dựng nguồn nhân lực, phương thức bảo đảm quân y (BĐQY); nhất là nâng cao chất lượng đào tạo - nghiên cứu y học quân sự (YHQS) sát thực tế chiến đấu...
Thay đổi hình thức tác chiến
Sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới đã cho phép ngành công nghiệp vũ khí “ra lò” các loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại, làm thay đổi các hình thức tác chiến và xuất hiện loại chiến tranh mới - chiến tranh công nghệ cao. Thực tế trong chiến tranh vùng Vịnh (1991), cuộc chiến Cô-xô-vô (Nam Tư), chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan (2001), chiến tranh I-rắc (2003)..., cho thấy, các bên tham chiến thường sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) như: bom, đạn, tên lửa, ngư lôi... có điều khiển; vũ khí chùm tia, chùm hạt la-de và ảnh nhiệt..., vũ khí sinh học, vũ khí siêu cao tần; các phương tiện trinh sát hiện đại được lắp trên vệ tinh, máy bay có và không có người lái..., làm cho chiến trường trở nên “trong suốt” cả ngày lẫn đêm. VKCNC có uy lực sát thương lớn, tầm hoạt động xa, tốc độ và độ chính xác cao; một số loại tên lửa hành trình có tầm bắn đạt 2.500 km; nhiều loại bom, đạn, tên lửa... được điều khiển dẫn tới mục tiêu xác suất trúng đích 80 đến 90%. Cách đây 20 đến 25 năm, để tiêu diệt một mục tiêu cố định trên mặt đất phải dùng 95 lần chiếc máy bay F-105, với 190 quả bom thường; nhưng hiện nay, chỉ cần một lần chiếc máy bay F-117A, với hai quả bom dẫn bằng la-de. Tiến công bằng VKCNC có thể làm tê liệt cơ quan đầu não, tiềm lực kinh tế, quân sự, cơ sở hạ tầng của đối phương; bảo vệ các mục tiêu trước VKCNC rất khó khăn, phức tạp.
Từng nhiều năm lăn lộn cùng đồng đội BĐQY trên các chiến trường và 10 năm đảm trách Chủ nhiệm Quân y mặt trận B3-Tây Nguyên, Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ, 90 tuổi, nguyên Chính ủy Học viện Quân y cho biết: Trong các cuộc kháng chiến cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc trước đây, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào tác chiến còn hạn chế; ta và địch thường thực hiện cách đánh “bóc vỏ” và bằng các trận đánh kế tiếp nhau để giành thắng lợi. Đơn cử, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chỉ một đêm, quân ta tiến công đánh chiếm Đồi A1, ngoài số chiến sĩ hy sinh, còn có gần một nghìn cán bộ, chiến sĩ bị thương phải chuyển về trạm quân y tuyến sau cấp cứu, điều trị... Nhưng hiện nay, sử dụng VKCNC, khả năng và hoạt động tác chiến nâng lên nhiều lần, diễn ra trên tất cả năm môi trường: trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ và phổ điện từ, khái niệm tiền tuyến và hậu phương mất đi ý nghĩa. Các phương tiện trinh sát hiện đại tích hợp VKCNC cho phép tiến công trong mọi điều kiện thời tiết, ngày, đêm. Do vậy, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra) sẽ rất ác liệt. Khả năng đối phương có ưu thế vượt trội về VKTBKT, huy động tiến công tổng lực, chiến trường mở rộng, diễn biến nhanh..., cho nên số lượng thương binh sẽ rất lớn, xuất hiện trong thời gian ngắn; tính chất vết thương phức tạp (đa chấn thương, đa vết thương, nhiều loại tổn thương do nhiều loại vũ khí, kể cả vũ khí: hóa học, sinh học, phóng xạ…), nên việc cứu chữa gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Có thể nói, tác chiến hiện đại, vũ khí hiện đại trong điều kiện thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, buộc chúng ta phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó đòi hỏi việc BĐQY cho lực lượng vũ trang, cũng như các loại hình tác chiến trên chiến trường, cần được nghiên cứu, bổ sung phù hợp.
Bước đột phá mới
Thiếu tướng, TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng), khẳng định: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, ngành Quân y đã xây dựng được hệ thống quân y rộng khắp, hình thành BĐQY theo tuyến, khu vực và kết hợp quân - dân y trên các chiến trường. Lực lượng quân y luôn có mặt ở nơi gian khổ, ác liệt nhất, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa kịp thời cấp cứu, điều trị cho thương binh, bệnh binh (TB, BB) và nhân dân. Câu chuyện về Bệnh xá Đặng Thùy Trâm gắn với câu chuyện cảm động về cuộc sống, chiến đấu của nữ bác sĩ anh hùng, chính là kết tinh hình ảnh chiến đấu, hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sĩ quân y đội phẫu tiền phương, bệnh xá, bệnh viện dã chiến trên khắp các chiến trường, nẻo đường chiến tranh, quên mình vì TB, BB, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong, tàn phế, trả nhanh quân số về cho chiến trường, duy trì sức mạnh chiến đấu của Quân đội, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc... Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, từng khẳng định: “...Có lẽ cả nước chưa có chiến trường nào mà Quân y có trực ban như tác chiến. Tôi cho Quân y, như là một Binh chủng. Trong những nguyên nhân góp phần vào thắng lợi, có vai trò to lớn một mạng lưới quân y hùng mạnh…”.
Trước yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, bên cạnh trang bị vũ khí, khí tài mới, hiện đại, là yêu cầu cao và thách thức không nhỏ trong việc BĐQY cho bộ đội có đủ sức khỏe khai thác hiệu quả VKTBKT hiện đại, nhất là đội ngũ phi công, thủy thủ tàu ngầm... Bài học trong chiến tranh thế giới thứ hai: 40 đến 60% vụ tai nạn máy bay quân sự là do con người, vẫn còn giá trị.
Nhiều năm gắn bó với giảng đường Học viện Quân y, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện cho biết: Là “cái nôi” đào tạo cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho Quân đội, hơn 68 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho toàn quân hàng chục nghìn cán bộ, y, bác sĩ đa khoa, chuyên khoa và sau đại học...; góp phần đáp ứng nguồn nhân lực BĐQY cho bộ đội cả thời chiến cũng như thời bình. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi Học viện phải nâng cao chất lượng đào tạo - nghiên cứu YHQS sát thực tế chiến đấu. Trong khi đó, đào tạo YHQS tại Học viện Quân y khác các trường đại học y trong nước; tốt nghiệp ra trường trở thành bác sĩ quân y, ngoài kiến thức y học thông thường còn phải có kiến thức về YHQS, để có thể đảm nhiệm được chức trách, nhiệm vụ đại đội trưởng đại đội quân y cấp trung đoàn. Bác sĩ quân y phải có đủ bản lĩnh, trình độ, làm nhiệm vụ tại đơn vị, kể cả tham gia chiến đấu, nhất là tại các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Bám sát nhu cầu của ngành Quân y, chương trình đào tạo được chuẩn hóa, hiện đại, phù hợp điều kiện của Quân đội và đất nước; tương thích chương trình của các trường y dược trong khu vực và thế giới; vừa kế thừa, cập nhật mới, có tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu BĐQY cho bộ đội trong điều kiện, phương án tác chiến mới.
Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành, tự học, tự nghiên cứu, áp dụng giảng dạy tích cực, tích hợp các phương tiện dạy học như: minh họa lâm sàng bằng các vi-đê-ô clíp các ca bệnh điển hình; truyền hình trực tiếp các ca mổ... Coi trọng bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện chuyên sâu cho học viên quân y các nội dung về YHQS như: tổ chức chỉ huy quân y; y học quân chủng, binh chủng; nội, ngoại khoa dã chiến... Học viên đại học quân y còn được cập nhật kiến thức BĐQY trong phòng thủ khu vực tỉnh, thành phố; trong tác chiến biển, đảo và trong phòng, chống bạo loạn, lật đổ; học viên sau đại học được cập nhật kiến thức BĐQY cho các hình thức tác chiến.
Để nâng cao chất lượng đào tạo về YHQS, nhất là các chuyên ngành: y học hàng không - hải quân; nội và ngoại khoa; y học dự phòng - dược..., Học viện Quân y đẩy mạnh hợp tác nước ngoài như: Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ..., đồng thời, cử cán bộ, giảng viên ra nước ngoài học tập trở về làm nòng cốt phát triển chuyên ngành YHQS tại Học viện; nâng cao chất lượng học tập ngoại ngữ của học viên. Nếu trước đây, bác sĩ quân y tốt nghiệp phải có bằng tiếng Anh A2, thì hiện nay phải có bằng tiếng Anh B1 (khung trình độ chung châu Âu), có thể tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu về YHQS.
Huấn luyện sát thực tế chiến đấu
Cùng đoàn cán bộ chủ chốt Quân y toàn quân đến Trung tâm huấn luyện dã ngoại của Học viện Quân y, chúng tôi vượt dốc lên đỉnh điểm cao 116,8 m tham quan học viện hệ đại học, sau đại học và cao đẳng quân y thực hành diễn tập YHQS cuối khóa, dựa trên tưởng định: “Trung đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự ở địa hình rừng núi”, triển khai công tác BĐQY cấp chiến thuật. Bám sát “chiến trường”, các y tá, cứu thương, chiến sĩ vận tải của đơn vị nhanh chóng cơ động dưới làn “mưa bom, bão đạn”, kịp thời cấp cứu, vận chuyển thương binh đưa về trạm quân y đơn vị.
Đó là chuyện thường ngày của những bác sĩ quân y tương lai. Để “tăng sức bền, thêm sức dẻo”, năng lực tổ chức chỉ huy cho học viên, Học viện Quân y duy trì thường xuyên chế độ hành quân rèn luyện ban đêm hai lần/tháng; huấn luyện, tập bài BĐQY sát thực tế chiến đấu. Từ năm 2016 trở về trước, cuối khóa học, các học viên quân y phải qua đợt huấn luyện dã ngoại tổng hợp, được hướng dẫn thực hành triển khai trạm quân y cấp chiến thuật; nhưng từ năm 2017 trở đi chuyển sang thực hiện diễn tập YHQS. Trong đó, học viên phải mang vác nặng từ 15 đến 20 kg/người, hành quân đêm hàng chục cây số qua địa hình rừng núi, kết hợp xử trí các tình huống: địch đánh bom vào đội hình hành quân; thực hành cứu, chữa vận chuyển TB, BB... Đến vị trí triển khai “đội hình chiến đấu”, học viên phải tự đào hầm bán âm, bếp Hoàng Cầm; dựng lều bạt, mắc tăng, võng, phải “ăn núi, ngủ rừng” như thời chiến. Đặc biệt, các học viên còn trực tiếp “vào vai” đảm nhiệm vị trí từ y tá đại đội đến trạm trưởng trạm quân y trung đoàn; lập kế hoạch BĐQY trong chiến đấu. Riêng học viên đại học quân y phải thành thạo 29 chức danh chuyên môn kỹ thuật y, dược của trạm quân y trung đoàn; chức năng, nhiệm vụ trạm quân y đại đội, tiểu đoàn... trong chiến đấu.
Cách đó không xa, dưới tán lá rừng keo, bạch đàn của vùng đất trung du, công tác chỉ huy của trạm trưởng trạm quân y trung đoàn; đại đội trưởng, đại đội phó quân y; trưởng bộ phận phẫu thuật chống sốc, cũng như việc cấp cứu, vận chuyển TB, BB diễn ra mau lẹ, khẩn trương... Đến bãi xử lý vệ sinh bộ phận của trạm quân y trung đoàn, Thượng sĩ Lê Doãn Tiến, học viên đại học quân y khóa 45B, trong bộ khí tài phòng độc và đeo mặt nạ phòng hóa đang cùng đồng đội thực hành tiêu độc, tẩy xạ cho các TB, BB bị nhiễm chất độc thần kinh Sarin. Được biết, trong chiến đấu, khi địch sử dụng chất độc Sarin, nếu đơn vị không có trang bị phòng độc, bộ đội sẽ bị nhiễm độc hàng loạt và người bị nhiễm độc nếu không được cấp cứu kịp thời, chỉ sau vài phút sẽ mất nhận thức, mất khả năng chiến đấu, thậm chí hy sinh... “Diễn tập tuy vất vả nhưng rất bổ ích, giúp tôi vận dụng kiến thức đã học vào thực tế BĐQY trong chiến đấu. Đây là kinh nghiệm để về đơn vị tôi vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ, khi có tình huống xảy ra!” - Thượng sĩ Tiến chia sẻ.
Tại căn hầm dã chiến “nửa nổi, nửa chìm”- hầm hậu tống thương binh nặng và vừa của trạm quân y trung đoàn, Thượng sĩ Phan Thị Lan Hương, học viên đại học quân y khóa 45A, cấp cứu cho thương binh bị gãy hở xương đùi do hỏa khí gây ra. Gương mặt và lưng áo đẫm mồ hôi, Thượng sĩ Hương cho biết: “Tham gia diễn tập giúp tôi không chỉ hình dung sự “ác liệt” của chiến trường; vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, mà còn học tập nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành lực lượng, phương tiện và tổ chức cứu chữa, vận chuyển TB, BB trong chiến đấu...
(Còn nữa)
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32955202-nang-cao-chat-luong-y-hoc-quan-su.html