Nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Đến nay, sau 3 năm triển khai, kết quả bộ chỉ số DDCI của tỉnh năm 2021 cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng DN với những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong cải cách hành chính (CCHC), cắt giảm các chi phí không chính thức; nhất là tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN.

Đổi mới, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tương tác, phục vụ, điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021, Sở Ngoại vụ đã bứt phá vươn lên dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành (Ảnh chụp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh). Ảnh: Chu Kiều

Đổi mới, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tương tác, phục vụ, điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021, Sở Ngoại vụ đã bứt phá vươn lên dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành (Ảnh chụp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh). Ảnh: Chu Kiều

DDCI lần đầu tiên được triển khai xây dựng tại nước ta vào năm 2013 bởi Economica Vietnam và UBND tỉnh Lào Cai; tiếp đó đã được nhiều tỉnh, thành lựa chọn triển khai.

Đến nay, kết quả Bộ chỉ số DDCI đã trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng, tạo động lực để các cấp, các ngành, từng địa phương ở mỗi tỉnh, thành không ngừng cải thiện chất lượng điều hành, đưa ra các chương trình, kế hoạch triển khai phù hợp với thực tiễn, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2021 là năm thứ 3 Vĩnh Phúc thực hiện đánh giá chỉ số DDCI dựa trên kết quả khảo sát của gần 5.200 DN với 7 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN, thiết bị pháp lý và vai trò người đứng đầu; 1 chỉ số riêng cho khối sở, ngành và 1 chỉ số riêng cho khối địa phương.

Theo kết quả công bố, điểm trung vị của khối sở, ban, ngành đạt 71,21 điểm (tăng 0,39 điểm so với năm 2020); khối địa phương đạt 71,76 điểm (tăng 6,33 điểm so với năm 2020).

Kết quả này là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đối với những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong CCHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lao động, thuế, thủ tục hành chính (TTHC) thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp cơ sở nói riêng cũng như sự chỉ đạo sát sao của tỉnh nói chung trong việc đổi mới cách thức điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.

Qua đó, góp phần quan trọng giúp cho chỉ số PCI của Vĩnh Phúc trong năm 2021 có sự bứt phá, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.

Trong bảng xếp hạng DDCI của tỉnh năm 2021, ghi nhận sự bứt phá của Sở Ngoại vụ với việc vươn lên dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành với 84,44 điểm; xếp vị trí thứ 2 là Sở Tài chính; xếp thứ 3 là Sở Công thương.

Ở khối địa phương, với 78,78 điểm, huyện Lập Thạch tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu 2 năm liên tiếp; xếp ở vị trí thứ 2 là thành phố Vĩnh Yên; Yên Lạc xếp vị trí thứ 3.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn trong năm 2021, năng lực cạnh tranh ở các địa phương cải thiện đồng đều; khối sở, ban, ngành thiếu sự ổn định với những thay đổi ở các vị trí dẫn đầu; chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất vẫn là điểm hạn chế lớn của tỉnh trong việc đánh giá xếp hạng DDCI 2021.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đơn vị dẫn đầu và đơn vị xếp cuối bảng DDCI của khối sở, ban, ngành ngày càng xa và 5 đơn vị thuộc nhóm tốt nhất có sự thay đổi lớn so với năm trước, điều này cho thấy, tính năng động, tiên phong của các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành cần được cải thiện hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng của DN khi thực hiện các TTHC và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong hoạt động SXKD để cải thiện môi trường đầu tư, duy trì thứ hạng của tỉnh trong nhóm tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về PCI những năm tới.

Với mục tiêu duy trì "top đầu" cả nước về PCI, trong hội nghị công bố kết quả DDCI của tỉnh trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu từng sở, ban, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả công bố, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện thứ hạng các chỉ số thấp điểm và duy trì các chỉ số đạt thứ hạng cao; đồng thời, lấy kết quả DDCI làm căn cứ đánh giá cán bộ, giúp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thay đổi tư duy, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc.

Thực hiện nâng cao chỉ số DDCI trong năm 2022 sẽ tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành giữa các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tạo động lực CCHC quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến DN, thực hiện mục tiêu đưa Vĩnh Phúc là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước những năm tiếp theo.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83267/nang-cao-chi-so-danh-gia-nang-luc-canh-tranh-cap-so-nganh-dia-phuong.html