Nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới: Không chỉ là việc của hải quan

Có tới hơn 70% tổng số thời lượng làm thủ tục hành chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu là từ các biện pháp kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, không nên 'đổ' hết lỗi chậm thông quan cho cơ quan hải quan, mặc dù đây là khâu cuối cùng kiểm soát giao thương hàng hóa.

Cán bộ hải quan xây dựng các kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới.

Cán bộ hải quan xây dựng các kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cứ nghĩ tạo thuận lợi thương mại thì hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Nhưng thực tế, hải quan chỉ là cơ quan chịu trách nhiệm cho khâu can thiệp cuối cùng để thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. Có rất nhiều cơ quan khác tạo ra chi phí cao”.

PV: Ông đánh giá về vai trò của Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan vào việc cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới?

Ông Phạm Minh Đức

Ông Phạm Minh Đức: Cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới là việc liên quan đến nỗ lực liên ngành nhằm giảm chi phí thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hải quan liên quan đến cả 2 phần của chi phí thương mại, vừa ở phần chi phí rào cản phi thuế quan và vừa là chỉ số liên quan đến thông quan hải quan và lưu kho tại cảng.

Tuy nhiên, bóc tách thật rõ ra thì tôi cho rằng, hải quan là một cơ quan cũng có tác động đến những yếu tố làm tăng chi phí, nhưng không phải là tất cả mọi lý do đều do hải quan. Lý do tạo ra mức độ chậm trễ trong việc thông quan, hoàn thành các biện pháp và thủ tục quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa XNK chủ yếu do các quy định về quản lý chuyên ngành - thực ra là các quản lý liên quan đến biện pháp phi thuế quan của các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp phát sinh không phải chỉ ở phạm vi của khu vực hải quan (cửa khẩu hoặc điểm thông quan hải quan). Vì hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm cho khâu can thiệp cuối cùng để thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, nên người ta thường nhìn nhận sự chậm trễ trong thông quan là do hải quan. Tuy nhiên, thực chất không phải như vậy.

Ví dụ, việc tuân thủ kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn một nửa thời gian NK, trong khi hải quan chỉ đóng góp hơn 10% trong tổng thời gian NK. Chi phí tuân thủ các biện pháp quản lý chuyên ngành cao là do mặt pháp lý vẫn còn nhiều quy định không cần thiết, chồng chéo và chưa rạch ròi.

Có tới hơn 70% tổng số các biện pháp kiểm tra chuyên ngành đến từ 3 đơn vị là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), Bộ Công thương và Bộ Y tế. Vì vậy, nếu “đổ” hết cho hải quan thì tôi nghĩ rằng không “fair” (đẹp), không đúng. Trên thực tế, dù cơ quan hải quan còn nhiều việc cần phải làm, nhưng về mặt áp dụng những công nghệ quản lý hiện đại so với các cơ quan khác thì hải quan làm tốt hơn. Ví dụ như hải quan đã áp dụng chế độ quản lý rủi ro, thực hiện hệ thống thông quan tự động, trong khi các cơ quan khác chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa tốt bằng hải quan.

PV: Ông có bình luận gì về một số cải cách hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Phạm Minh Đức: WB có rất nhiều dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật với Bộ Tài chính, trong đó có lĩnh vực hải quan, từ dự án hiện đại hóa hải quan, xây dựng hệ thống đánh giá, phỏng vấn đối tượng sử dụng, phương pháp xây dựng các chỉ số để đo lường thời gian thông quan… Chúng tôi thấy Hải quan Việt Nam gần đây đã có những cải thiện rõ rệt, nhất là về thông quan điện tử. Gần đây nhất, Hải quan Việt Nam cũng có hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác phát triển khác như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đó là một chương trình lớn và tôi nghĩ nó sẽ có tác động tích cực đối với việc tiếp tục hiện đại hóa hải quan cũng như sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Tuy nhiên, hải quan vẫn cần tiếp tục cải cách đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ theo chuẩn mực quốc tế, thực thi tích cực các cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nâng cao hiệu quả quản lý thông qua hệ thống áp dụng công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ các cán bộ hải quan. Ngoài ra, hiện đại hóa hải quan thôi chưa đủ mà chắc chắn phải có một sự đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Nhận thức này cần phải làm rất rõ và tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò điều phối của hải quan, cũng như vai trò của hải quan với các thể chế, các tổ chức liên quan đến quản lý nhà nước khác đối với quy định liên quan đến XNK của Việt Nam.

PV: Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…). Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này của Bộ Tài chính?

Ông Phạm Minh Đức: Tôi nghĩ, cơ quan hải quan khó có thể chịu trách nhiệm quản lý nhà nước như trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế hay Bộ NN&PTNN. Đơn cử như trong việc quyết định đồng ý hay cấm NK một mặt hàng và quy định tuân thủ thủ tục NK: như mặt hàng sữa chẳng hạn, nó nằm ngoài phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan hải quan. Nhưng tôi lại hoàn toàn ủng hộ cơ quan hải quan chỉ chịu trách nhiệm phần của họ thôi, liên quan đến chuyện nhà NK đó có vi phạm quy định hải quan nào không, đã đóng thuế hải quan chưa. Nếu có thêm trách nhiệm như đề xuất, thì trách nhiệm của hải quan là cơ quan điều phối cuối cùng mà tổng hợp được tất cả những bước để thông quan thì phải làm rành mạch điều đó.

Về nguyên tắc, các cơ quan ngoài hải quan liên quan đến các quy trình quản lý chuyên ngành hay thông quan tại cửa khẩu và hải quan là cơ quan cuối cùng chịu trách nhiệm sau khi tập hợp tất cả các tài liệu kèm theo để cho phép thông quan phải đồng bộ và phải kết hợp với nhau. Vì thế, phải tiếp tục đưa ra những chính sách có thể đồng bộ hóa những quy định pháp lý và quy trình thông quan và công nghệ, thông qua chế độ một cửa quốc gia là điều hết sức cần thiết. Một điều quan trọng là phải minh bạch cho người sử dụng dịch vụ để họ biết và tuân thủ một cách chính xác, qua đó khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện, tránh tình trạng nhập nhèm, chồng chéo, tạo điều kiện cho chính người sử dụng dịch vụ vi phạm.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới đây, ngoài chuyện xác định cơ quan nào làm cái gì, chịu trách nhiệm đến đâu thì cần đưa ra chuẩn về chi phí cho từng công đoạn: chuẩn về thời gian cho từng đơn vị, đơn vị nào làm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó. Nếu chỉ giao cho 1 bên làm hoặc 1 bên chịu trách nhiệm mà không chia sẻ một cách rõ ràng về trách nhiệm giải trình của từng bên thì sẽ không hiệu quả. Một văn bản có hiệu quả nhất không phải là ai sẽ là người chịu trách nhiệm nhiều hơn mà là nói rõ trách nhiệm của ai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó.

Về phía Chính phủ, ngoài việc đề ra chính sách tạo thuận lợi thương mại đúng đắn và các chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, thì điều quan trọng là phải đưa vào thực tế một cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. Đây là việc không một bộ riêng lẻ nào hoặc cơ quan hải quan có thể làm thay được. Vì thế, vai trò của Ủy ban Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại rất quan trọng. Tuy nhiên, ủy ban sẽ chỉ có hiệu quả thực sự nếu có một bộ máy giúp việc liên ngành được thực sự trao quyền và hải quan có thể đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần phải làm rõ trách nhiệm từng công đoạn

“Hiện đại hóa hải quan thôi chưa đủ mà chắc chắn phải có một sự đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Nhận thức này cần phải làm rất rõ và tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò điều phối của hải quan, cũng như vai trò của hải quan với các thể chế, các tổ chức liên quan đến quản lý nhà nước khác đối với quy định liên quan đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới đây, ngoài chuyện xác định cơ quan nào làm cái gì, chịu trách nhiệm đến đâu thì cần đưa ra chuẩn về chi phí cho từng công đoạn: chuẩn về thời gian cho từng đơn vị, đơn vị nào làm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó. Nếu chỉ giao cho 1 bên làm hoặc 1 bên chịu trách nhiệm mà không chia sẻ một cách rõ ràng về trách nhiệm giải trình của từng bên thì sẽ không hiệu quả. Một văn bản có hiệu quả nhất không phải là ai sẽ là người chịu trách nhiệm nhiều hơn mà là nói rõ trách nhiệm của ai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó”. Chuyên gia Phạm Minh Đức

Luyện Vũ (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-16/nang-cao-chi-so-giao-dich-thuong-mai-qua-bien-gioi-khong-chi-la-viec-cua-hai-quan-91052.aspx