Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Kết quả Chỉ số tiếp cận đất đai trong Bộ Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm thấp của cả nước, đặc biệt là 5 chỉ số thành phần có xu hướng giảm điểm so với năm 2019. Chính vì thế, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai.

Quy hoạch các Cụm công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Quy hoạch các Cụm công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng để phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh luôn là điều mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mong muốn. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PCI 2020 cho thấy, Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm những tỉnh gần cuối bảng.

Qua kết quả phân tích cụ thể, Chỉ số tiếp cận đất đai được các doanh nghiệp đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 11 chỉ tiêu cơ sở. Trong đó, chỉ rõ 5/11 chỉ tiêu còn hạn chế so với năm 2019 như: Thiếu quỹ đất sạch; việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; rủi ro bị thu hồi; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục; doanh nghiệp cho rằng nếu bị thu hồi đất doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng; 2/11 chỉ tiêu cơ sở không cải thiện về điểm số đó là số ngày chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do lo ngại thủ tục hành chính rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu. Chỉ có 4 chỉ tiêu cơ sở của năm 2020 vượt so với năm 2019.

Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, bất cập còn tồn tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, phấn đấu nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai thuộc Top 20 của cả nước, trong đó 11 chỉ tiêu thành phần cũng sẽ có những giải pháp cụ thể để nâng điểm.

Theo đó, Sở TN&MT đã thực hiện triệt để việc rà soát, đăng tải công khai minh bạch thông tin về Bộ TTHC thuộc thẩm quyền trên Trang thông tin điện tử của Sở, Cổng dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, cán bộ địa chính cấp xã đối với bộ TTHC về đất đai, hệ thống các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng nội dung thực hiện các quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong quá trình giải quyết TTHC về đất đai.

Sở cũng đã chú trọng việc kết nối, tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia và tổ chức triển khai đến các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trước mắt áp dụng cho lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh các yếu tố về cải cách thủ tục hành chính, việc đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai chưa phù hợp với thực tế là rất quan trọng. Sở đã ban hành nhiều văn bản đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đơn cử như Luật Đất đai cần sửa đổi, bổ sung quy định về tài chính đất đai đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện dự án có sử dụng đất để bảo đảm thống nhất giữa các luật và tổ chức thực hiện; bổ sung các quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu dự án.

Việc tham gia góp ý sửa đổi đổi Luật Đất đai cũng được Sở kiến nghị theo hướng quy định thống nhất thẩm quyền của một cơ quan (Sở Tài chính hoặc Sở TN&MT). Bổ sung quy định về hỗ trợ đất vườn ao cùng thửa với đất ở mà không được xác định là đất ở trong khu dân cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này cho thấy việc đồng bộ hóa các quy định đất đai của Trung ương và tỉnh Ninh Bình là điều kiện thúc đẩy nâng cao Chỉ số tiếp cận đất đai cũng như Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trên bảng xếp hạng chung cả nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-chi-so-tiep-can-dat-dai-cho-doanh-nghiep/d20211019160519229.htm