Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn còn những bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Còn nhiều hạn chế

Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở, đơn vị có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở gồm: Trường Chính trị tỉnh và 13 trung tâm chính trị cấp huyện. Những năm qua, các cơ sở này đã tham gia tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đảng viên cả về LLCT, nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức quản lý nhà nước. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên; thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo còn nhiều tồn tại, bất cập. Đó là, chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa đạt như mong muốn; nội dung một số chương trình còn nặng về lý luận mà nhẹ về tính thực tiễn; chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với các trung tâm chính trị cấp huyện. Toàn tỉnh hiện chỉ có Trung tâm Chính trị TP.Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng đủ biên chế (4 - 5 người); các trung tâm còn lại chỉ có 2 - 3 biên chế. Nhiều trung tâm cấp huyện chỉ có 1 phó giám đốc kiêm giảng viên, 1 giảng viên chuyên trách kiêm giáo vụ, văn thư, thủ quỹ...

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị cấp huyện đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030”. Ảnh: PV

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị cấp huyện đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030”. Ảnh: PV

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, Trung tâm Chính trị huyện Mộ Đức cho biết, vẫn còn trường hợp giảng viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng sâu về hệ thống kiến thức, nghiệp vụ LLCT và phương pháp giảng dạy LLCT. Không ít giảng viên nhầm lẫn phương pháp báo cáo viên và phương pháp giảng viên LLCT; chưa kết hợp được yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong giảng dạy.

Bên cạnh đó, một số trung tâm chính trị cấp huyện ít được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; có trung tâm thiếu phòng ăn, nghỉ cho học viên, gây khó khăn cho học viên ở xa. Thậm chí, huyện Sơn Tịnh chưa được đầu tư xây mới trung tâm chính trị. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trương Thị Mỹ Trang, một số trung tâm được đầu tư xây dựng mới chỉ tập trung thực hiện đào tạo sơ cấp LLCT và một số lớp bồi dưỡng khác, chứ chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ như tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; chưa tham gia phối hợp tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Mặt khác, còn tình trạng cán bộ, đảng viên không muốn tham gia học tập LLCT, hoặc tham gia chỉ để đủ chỉ tiêu, bằng cấp...

Phát huy vai trò của cấp ủy

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là 1 trong 3 khâu đột phá, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Thực hiện mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Trường Chính trị tỉnh và 13 trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về LLCT... cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên

Số liệu nghiên cứu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho thấy, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 655 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với hơn 45,6 nghìn lượt cán bộ tham gia; cử gần 1.000 lượt cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Trong đó, đào tạo về LLCT 4.406 đồng chí (cao cấp 438, trung cấp 2.792, sơ cấp 1.176 đồng chí); bồi dưỡng nghiệp vụ gần 40,7 nghìn lượt cán bộ (cấp tỉnh 12,276 nghìn, cấp huyện 15,379 nghìn, cấp xã 13,141 nghìn lượt cán bộ).
Theo đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, hầu hết cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều căn cứ quy hoạch và kế hoạch hằng năm; chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp; tập trung đào tạo, bồi dưỡng LLCT và chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chức danh được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Mới đây, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Đức Minh cho rằng, có 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đó là nhân tố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; nhân tố về công tác tổ chức thực hiện và nhân tố về người tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT, thì cấp ủy các cấp cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công chức, viên chức, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm, cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Về các nhân tố khác, thì yêu cầu đối với người dạy phải thường xuyên tự nâng cao trình độ, chuyên môn, năng lực, phương pháp; tăng cường các hoạt động nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Đối với người học cần chủ động, tự giác trong học tập; tích cực tích lũy, đúc kết kinh nghiệm trong công việc; nâng cao năng lực tư duy và khả năng nắm bắt, tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn...

Đối với những bất cập, hạn chế về chất lượng đội ngũ giảng dạy LLCT ở trung tâm chính trị cấp huyện, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương cho rằng, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện cần rà soát, lựa chọn, kiện toàn, xây dựng bộ máy trung tâm chính trị đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng theo quy định.

Ngoài ra, phải xây dựng, bố trí đội ngũ giảng viên kiêm chức (gồm các đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện, thị, thành ủy), xem đây là lực lượng chủ yếu tham gia báo cáo, giảng dạy, bồi dưỡng tại các trung tâm. Khi phân công, bố trí giảng viên đảm bảo tiêu chuẩn cần quan tâm đến tính ổn định đối với lực lượng này. Cùng với đó, quan tâm, bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng LLCT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202410/nang-cao-cong-tac-dao-taoboi-duong-ly-luan-chinh-tri-7e51375/