Nâng cao đạo đức công vụ
Đạo đức công vụ là hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của đội ngũ này trong hoạt động công vụ.
Khách quan nhìn nhận, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, bên cạnh những mặt mạnh thì một bộ phận vẫn còn hạn chế về trình độ, kỹ năng chuyên môn, chậm đổi mới tư duy và phong cách làm việc để thích ứng với tình hình mới.
Điều đáng quan tâm là vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức sa sút về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm kém, quan liêu, hách dịch và tham nhũng. Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập nhiều hành vi liên quan đến các đối tượng này, như: Nói một đằng, làm một nẻo; cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Nghiêm trọng hơn là có một số người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân...
Đối với thành phố Hà Nội, sau nhiều năm kiên quyết đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần vào kết quả 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), Hà Nội luôn đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2018, 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Thế nhưng ở đâu đó, những ì xèo về tình trạng “phí bôi trơn” trong một số lĩnh vực như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra thuế, hải quan… Điều này được phản ánh qua một số chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội còn ở mức thấp. Trong đó, sự minh bạch về chính sách, trách nhiệm giải trình với người dân… chưa làm tốt, còn kẽ hở cho tham nhũng vặt tồn tại.
Đáng lưu ý, trong đợt kiểm tra hành chính đột xuất tháng 8, 9-2020 của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tính đến thời điểm kiểm tra. Cụ thể là UBND xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) có 17 hồ sơ quá hạn, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) có 89 hồ sơ quá hạn… Điều đó phần nào cho thấy cải cách hành chính gắn với đạo đức công vụ ở một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Trước thực tế trên, để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, một mặt cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng năng lực thích ứng với xã hội của đội ngũ này, mặt khác phải đẩy mạnh thực hiện đạo đức công vụ cho họ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt. Đó cũng chính là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước và xã hội hiện nay.
Để đạt mục tiêu trên cần thấy rằng, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, sự vô cảm... đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp tổng thể cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mới đủ năng lực, trình độ, “tài - đức” quản trị đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, cần hình thành các quy phạm pháp luật liên quan phù hợp. Cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, vừa mang tính quy định pháp luật trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với Nhà nước trên cơ sở hài hòa quyền và lợi ích. Rõ hơn là các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội luôn đi liền với nhau.
Mặt khác, nền hành chính cần ứng dụng mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo phục vụ. Đây là cơ sở để đẩy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm một cách chủ động, tích cực, hiệu quả.
Muốn vậy, phải có cơ chế huy động sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội vào công việc nhà nước, giám sát, phản biện xã hội một cách thiết thực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Ngoài ra, cần khen thưởng kịp thời các cá nhân có sáng kiến trong cải cách hành chính, giúp công việc của cơ quan, đơn vị thuận lợi hơn.
Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Lâu nay nhiều người vẫn nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng bây giờ “Hà Nội không vội không xong”. Nhiều vấn đề của thành phố không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển… Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề công tác năm 2021 của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện.
Xét cho cùng, thành quả phát triển của Thủ đô và đất nước mà người dân không được thụ hưởng thì thành quả đó cũng không có ý nghĩa và trước khi làm việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành. Đó là bài toán đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng đạo đức công vụ nói riêng và nền hành chính phục vụ nói chung…
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/991201/nang-cao-dao-duc-cong-vu