Nâng cao đạo đức nghề nghiệp và sử dụng mạng xã hội của người làm báo
Chiều 17/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.
Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đội ngũ người làm báo đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác.
Hiện tượng nhà báo-hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Với góc độ là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc giám sát, xử lý các vi phạm Điều lệ hội, 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã phối hợp các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý các sai phạm.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến tham luận như: vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cũng như lên tiếng đánh giá, xếp hạng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan báo chí nhằm góp phần nâng cao vị thế của công tác hội và chất lượng báo chí. Cơ chế về bộ máy, nhân lực cơ quan báo chí bộc lộ nhiều hạn chế.
Các cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn đang bị hạn chế về biên chế, không được ký hợp đồng chuyên môn; hạn chế trong tuyển dụng, sử dụng phóng viên, biên tập viên, có trường hợp thực hiện công việc của chức danh phóng viên, biên tập viên nhưng cơ quan báo chí ký hợp đồng cộng tác viên, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người làm báo; Chuyển đổi số báo chí là vấn đề cấp thiết nhưng khả năng đáp ứng của đội ngũ những người làm báo chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ, chắp vá...
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cũng được các đại biểu đưa ra như: sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên, nhà báo...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nêu rõ, qua trao đổi ý kiến của các đại biểu, càng thấy rõ vai trò trách nhiệm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật gắn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số. Bảo đảm các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, góp phần xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.