Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, qua đó thiết thực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nhân viên Trạm y tế xã Cúc Đường (Võ Nhai) tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xóm Mỏ Chì.
Tỉnh Thái Nguyên có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 51 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai kịp thời và có hiệu quả.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh triển khai tổng số 122 mô hình, dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.683 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng. Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã đào tạo cho hơn 18.260 lao động, trong đó 49,4% lao động là người DTTS.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng, nâng cấp trên 2.600km đường giao thông nông thôn; trên 295km kênh mương, 281 công trình thủy lợi; 325 trạm biến áp, trên 971km đường dây trung áp, hạ áp; 1.350 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 102 nhà văn hóa và khu thể thao xã...

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh kiểm tra công trình hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hội viên người dân tộc thiểu số ở xã Phượng Tiến (Định Hóa).
Ngoài ra, nhiều chính sách được thực hiện có hiệu quả, như: “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”; Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”; Chương trình “tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi” giai đoạn 2019-2024... Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS tại Thái Nguyên đã có những cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, và nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hóa, 100% xóm có điện lưới quốc gia, trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại.
Tại huyện Võ Nhai, địa phương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện công tác dân tộc, chăm lo đời sống đồng bào DTTS. Từ năm 2021, địa phương triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai: Thông qua việc thực hiện Đề án này, chúng tôi phấn đấu sẽ đưa du lịch cơ bản thành một ngành kinh tế của huyện và trở thành điểm đến của tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, thiết thực đóng góp vào công tác phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Riêng năm 2024, toàn huyện đã thu hút được gần 235 nghìn lượt khách thăm quan, trải nghiệm tại địa phương với doanh thu đạt khoảng 23,5 tỷ đồng.
Để đối mặt với những thách thức trong tình hình mới, Thái Nguyên xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chính sách, khai thác tốt hơn các nguồn lực, và xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng hướng, mang lại lợi ích lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bệnh viện đa khoa Thủ Đô (Đại Từ) đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, văn bản của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, nhân rộng những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển đời sống văn hóa xã hội. - ông Phan Thanh Hà
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn bằng 60% bình quân chung của cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…