Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Phù Yên đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo; diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.

Một góc bản tái định cư Hợp Phong, xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Một góc bản tái định cư Hợp Phong, xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầngHuyện Phù Yên có 27 xã, thị trấn, 203 bản, tiểu khu, trên 28.000 hộ dân thuộc 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,65%, đời sống bà con còn nhiều khó khăn.Ông Phan Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học... Khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội các xã, bản đặc biệt khó khăn làm cơ sở xây dựng các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm tiếp theo.

Trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo bản Khoa 2, xã Tường Thượng.

Trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo bản Khoa 2, xã Tường Thượng.

Giai đoạn 2019-2024, huyện Phù Yên được giao 57,2 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 124 triệu đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hơn 118 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Huyện đã phân bổ, thực hiện 90 công trình. Đến nay, đã giải ngân 105,8 tỷ đồng, đạt 60,3% kế hoạch.

Bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án, từ năm 2021 đến nay, huyện Phù Yên thực hiện dự án hỗ trợ xi măng làm 150 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng kinh phí trên 17,636 tỷ đồng. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 95,2% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi và nước sạch sinh hoạt được đầu tư phục vụ đời sống nhân dân.

Thi công kè hồ thủy lợi bản Tiến Phong, xã Huy Tường.

Thi công kè hồ thủy lợi bản Tiến Phong, xã Huy Tường.

Đầu năm 2024, bà con bản Thượng Lang, xã Mường Lang, phấn khởi khi 4km đường bê tông liên bản Thượng Lang - Tường Lang hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình 1719 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Anh Lò Văn Dinh, bản Thượng Lang, phấn khởi: Sau nhiều năm mong đợi, con đường đi được 4 mùa nối bản Thượng Lang với bản Tường Lang đã thành hiện thực. Bây giờ, con trẻ đi học thuận lợi hơn; nông sản bán được giá cao hơn. Con đường giúp cho nhân dân thuận lợi qua lại, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hỗ trợ sản xuất, nâng cao mức sống

Giúp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kiến thức áp dụng vào sản xuất, hằng năm, huyện Phù Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức trên 100 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân; trong đó tập trung hướng dẫn trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nuôi gia súc nhốt chuồng, nuôi trồng thủy sản... Khảo sát điều kiện tự nhiên các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng; lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn, tạo thu nhập bền vững; hỗ trợ các hộ dân mua cây giống lâm nghiệp trồng rừng, với mức từ 1.500-2.000 đồng/cây; trồng 1.300 ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Hộ nghèo xã Huy Thượng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Hộ nghèo xã Huy Thượng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả, từng bước hình thành vùng cây ăn quả có múi ở các xã Mường Do, Mường Thải, Tân Lang, gắn với xây dựng mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có 2.463 ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 4 nghìn tấn quả/năm. Ngoài ra, nông dân trồng 151 ha cây gai xanh, cây trồng này được coi là hướng đi mới của các xã vùng sâu, vùng xa.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, huyện Phù Yên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đến hết tháng 6/2024, có trên 12.400 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn, với tổng dư nợ gần 620 tỷ đồng.

Nhân dân xã Suối Tọ phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ.

Nhân dân xã Suối Tọ phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ.

Huyện còn khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, với 186 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 5.000 lao động nông thôn.

Anh Hà Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Tiến, xã Mường Do, chia sẻ: Năm 2020, HTX đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 1.200m2 nhà màng để trồng cà chua bi, dâu tây, một số loại dưa lưới, dưa lê; sản lượng đạt 3 tấn/năm, giá bán bình quân từ 15-20 nghìn đồng/kg. HTX còn được huyện hỗ trợ trang bị hệ thống tưới ẩm, nên đã tiết kiệm đáng kể công lao động chăm sóc và nâng cao năng suất, chất lượng quả.

Những kết quả đáng mừng

Nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã có những bước phát triển mới. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ được triển khai có trọng tâm đúng định hướng của tỉnh. Trong đó, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 630,8 ha (130 ha được cấp chứng nhận hữu cơ). Đến nay, huyện có 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 2 sản phẩm OCOP 4 sao; 13 sản phẩm OCOP 3 sao.

Khách hàng tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Phù Yên.

Khách hàng tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Phù Yên.

Diện tích nhà màng đạt 7.319m2; tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt cho 19 ha cây ăn quả, với các mô hình trồng chuối, mít thái, cam đường canh, bưởi da xanh. Đặc biệt, nhân dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, như: Sử dụng máy cấy mạ khay; thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hoàn, tiết kiệm thời gian, sức lao động, bảo đảm khung thời vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Chăn nuôi được phát triển theo hướng nuôi tập trung và nâng cao chất lượng đàn, với tổng 919.490 con gia súc, gia cầm. Sản phẩm chăn nuôi đã và đang từng bước trở thành hàng hóa. Ngoài ra, còn duy trì 3.350 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, với sản lượng đạt 2.760 tấn/năm.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Phù Yên đang từng bước khởi sắc. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,26%; hộ cận nghèo còn 9,19%; có 96% dân số được xem truyền hình; 100% dân số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam; 100% các xã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, các bản ở xa trung tâm đều có nhà lớp học; 100% số xã có trạm y tế, bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Nhân dân xã Kim Bon trao đổi kinh nghiệm trồng cây lấy gỗ.

Nhân dân xã Kim Bon trao đổi kinh nghiệm trồng cây lấy gỗ.

Tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Phù Yên tiếp tục ưu tiên tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng, phát triển kinh tế phù hợp, từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hóa... Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-qPSFNT9IR.html