Nâng cao đời sống người dân nhờ định canh, định cư

Từ thị trấn Khe Sanh qua xã Tân Long đi vào đường Lìa khoảng 15 km là đến Bản 3, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Bản 3 nằm trên tuyến đường Lìa, sát biên giới ViệtLào, có 43 gia đình với hơn 200 nhân khẩu, 100% người dân trong bản là người dân tộc Vân Kiều. Theo ông Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận, Bản 3 là một trong những thôn, bản có nhiều đổi thay, đời sống của người dân được nâng cao về nhiều mặt.

 Cuộc sống người dân Bản 3 được cải thiện nhờ định canh, định cư, phát triển kinh tế hàng hóa

Cuộc sống người dân Bản 3 được cải thiện nhờ định canh, định cư, phát triển kinh tế hàng hóa

Trưởng bản Hồ Văn An nói: “Hồi trước cả bản chúng tôi sống gần bên bờ sông Sê Pôn, cuộc sống phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, đánh bắt cá nhưng năm nào cũng thiếu lương thực. Những năm thời tiết không thuận lợi, mất mùa thiếu ăn nhiều tháng. Sau đó được lãnh đạo UBND xã vận động định canh, định cư mới ra sinh sống dọc theo 2 bên tuyến đường Lìa nên cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Chuyển đến định cư, sống gần người Kinh từ đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới nên chúng tôi kết nghĩa anh em, học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống, sản xuất, chăn nuôi, chăm sóc con, bảo vệ sức khỏe…. Đất đai ở đây cũng phì nhiêu nhưng người Vân Kiều chưa biết khai thác để làm ra sản phẩm có giá trị hàng hóa. Ngay cây chuối bà con cũng không biết cách trồng, để cây mọc tự nhiên, còi cọc, trái nhỏ, không bán được. Khi người Kinh lên đây, họ đã chọn giống, trồng và chăm sóc đúng kĩ thuật nên cây chuối phát triển tốt, trái to, mỗi buồng có nhiều nải, bán được giá hơn. Việc trồng sắn cũng không còn trồng theo cách cũ mà được Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cung cấp giống, có cán bộ hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất cao hơn và trở thành cây xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người dân trong bản”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Nguyễn Dương Tài giải thích: “Từ ngày có Nhà máy chế biến tinh bột sắn, cuộc sống của người dân ở đây thay đổi nhanh chóng, sản phẩm làm ra được bao tiêu, không lo ế thừa”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết hầu như nhà nào ở Bản 3 cũng có một vài mẫu đất để trồng sắn, chuối, mỗi năm thu hoạch bán được vài chục triệu đồng, gia đình nhiều bán được 70-100 triệu đồng, trong bản có 2 người tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”. Đó là sự thay đổi rất lớn, bởi trước đây người dân chỉ lo làm ăn, đắp đổi qua ngày, nay đã có được tích lũy. Trong bản có khoảng 20/43 hộ có thu nhập riêng từ tiền bán sắn, chuối mỗi năm được khoảng 60-70 triệu đồng trở lên. Ngay như gia đình Hồ Leng, hồi trước nghèo nhất bản cũng đã nỗ lực vươn lên, chịu khó sản xuất, học tập kinh nghiệm người khác, trồng chuối, trồng sắn, chăn nuôi… nay đã giàu có, làm được nhà cửa, có tài sản cho con trai khi ra ở riêng.

Làm việc với Trưởng bản Hồ Văn An xong cũng đã gần 11 giờ trưa, chúng tôi đi thăm một số gia đình, nhưng hầu như nhà nào chủ nhà cũng đi vắng, họ lên nương rẫy chăm sóc cây sắn, cây chuối và các loại cây ăn quả đến chiều tối mới về. Ở nhà chỉ có trẻ con và người già. Nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên đã giúp kinh tế người dân phát triển, đói nghèo bị đẩy lùi. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, em nào học lên cấp PTTH thì đến các trường bán trú, ra học ở thị trấn Khe Sanh hay vào xã A Túc.

Một nét đổi thay khác là nhờ tuyên truyền vận động nên người dân biết ăn ở hợp vệ sinh, đưa gia súc, gia cầm chăn nuôi ra khu vực riêng, thực hiện ăn chín uống sôi, nên ít bệnh tật. Người dân cũng tích cực thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, người dân Bản 3 phối hợp, cung cấp cho Đồn Biên phòng và công an xã những thông tin cần thiết, giữ vững an ninh trật tự, khu vực biên giới, luôn cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Mặt khác, tăng cường đoàn kết giữa các bản 2 bên biên giới. Thực hiện kết nghĩa bản- bản, thăm hỏi bạn khi gặp khó khăn hoạn nạn, nếu mất mùa cũng đem lương thực sang giúp. Nhờ đó đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Lào…

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân nhưng Trưởng bản Hồ Văn An thừa nhận Bản 3 đang còn một số khó khăn như số hộ nghèo vẫn còn cao, một số người dân đang trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước, không muốn tự mình thoát nghèo. Cả bản có 43 hộ nhưng không có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, nước uống hằng ngày phải mua từng bình nước lọc. Vẫn còn một số em chưa học xong chương trình PTCS, PTTH đã bỏ học để lập gia đình, lúc chưa đủ tuổi kết hôn…Đó là những khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết, nhằm làm cho cuộc sống của người dân ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

NB

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=139936