Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng biển
Thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương ven biển trong tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống gắn liền với ngư dân vùng biển... Từ đó, tạo điều kiện cho người dân vùng biển được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, thúc đẩy việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân.
Nhà văn hóa thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Qua trao đổi với ông Hoàng Văn Sỹ, trưởng thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) được biết: Do đặc thù công việc của cư dân miền biển là quanh năm bám biển, lênh đênh trên sông nước, đối mặt với sóng to gió lớn, từ đó đã hình thành nên những phong tục tập quán, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, như tục thờ cá ông, tổ chức lễ hội làng... qua đó, thể hiện ước vọng cầu mong vị thần của biển che chở cho người dân được an lành, trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản. Cùng với đó, nhiều loại hình thể thao, dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân cũng được hình thành và phát triển như: các trò chơi kéo co, cờ thẻ, cờ người... Thời gian qua, thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân tích cực gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa đó. Đồng thời, vận động người dân tham gia vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; huy động nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Trong đó, nhà văn hóa thôn được xây dựng từ năm 2019, với tổng kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn huy động xã hội hóa đóng góp của Nhân dân. Từ khi nhà văn hóa được xây dựng đến nay đã phát huy tốt vai trò là nơi hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể và Nhân dân; nơi tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Ông Vũ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Từ bao đời nay, người dân Hưng Lộc đã hình thành nên những bản sắc văn hóa và phong tục đặc trưng mang đậm dấu ấn của cư dân vùng biển, cả 6/6 thôn đều duy trì và tổ chức các lễ hội làng. Và cho dù cuộc sống vất vả bám biển mưu sinh là vậy, nhưng tranh thủ lúc nông nhàn, người dân trong xã đều tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Bởi vậy, địa phương đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, sân chơi bãi tập phục vụ cho các hoạt động văn hóa. Hiện cả 6/6 thôn đều có nhà văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ cũng phát triển mạnh, thôn nào cũng thành lập đội văn nghệ, thể thao, đặc biệt có 3 thôn là Tiến Long, Phú Lương, Phú Nhi có đội hát chèo hoạt động khá hiệu quả. Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn xã đạt hơn 90%; xã cũng luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vùng biển. Từ đó, không chỉ giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân luôn phong phú mà còn để họ có thêm niềm tin, tâm thế kiên cường, vượt qua mọi thử thách, luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Huyện Hậu Lộc có 6 xã vùng biển, gồm: Ngư Lộc, Đa Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng biển, những năm qua các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ giá trị văn hóa của ngư dân miền biển, nhất là việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các kiến trúc như đình làng, miếu thờ, nghè... Ngoài ra, khuyến khích các xã huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, sân chơi, bãi tập phục vụ Nhân dân vui chơi, giải trí... Nhờ đó, đến nay trong huyện duy trì được khá nhiều lễ hội của ngư dân miền biển, như, lễ hội Cầu Ngư (xã Ngư Lộc), lễ hội Đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc)...
Tại TP Sầm Sơn, để nâng cao đời sống văn hóa cho người dân vùng biển, các cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đến nay, hầu hết các địa phương vùng biển trên địa bàn thành phố đều xây dựng được hệ thống nhà văn hóa, sân chơi bãi tập đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng, phong tục tập quán của ngư dân vùng biển. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của người dân vùng biển cũng được gìn giữ và tổ chức hàng năm như, lễ hội Cầu Phúc (16/2 âm lịch), lễ hội Cầu ngư - Bơi trải (từ ngày 14 đến 15/5 âm lịch). Các lễ hội không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, từ đó tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Mảnh đất xứ Thanh có đường bờ biển dài 102km, trải dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn. Do cuộc sống phụ thuộc vào công việc đánh bắt hải sản trên biển là chính, đã hình thành nên những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo, như các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian... Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó không chỉ góp phần làm giàu thêm vào kho tàng di sản văn hóa của xứ Thanh mà còn nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân vùng biển; giáo dục con cháu về cội nguồn tiên tổ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.