Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Ngày 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về người cao tuổi
Biểu dương kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chăm lo, phát huy vai trò của người cao tuổi hiện nay cần được xem xét trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, do đó, phải nhanh chóng hình thành những chính sách trụ cột về an sinh xã hội, bảo hiểm, y tế… “Cần có nhận định đúng đắn và dự báo đến năm 2030, năm 2050 để chủ động, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo người cao tuổi; đề ra chương trình hoạt động dài hạn của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nêu một số vấn đề lớn đang đặt ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện cho người cao tuổi và gắn nhiệm vụ này với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật số liệu về người cao tuổi, điều kiện sống, số người được hưởng các chế độ, chính sách xã hội… từ đó, tính toán các nguồn lực tham gia công tác chăm sóc người cao tuổi; nghiên cứu giải pháp của các nước có dân số già để rút ra bài học, kinh nghiệm cần thiết.
Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, khảo sát và đưa ra các dự báo về già hóa dân số, đánh giá tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội; tham mưu giải pháp cho cấp có thẩm quyền. “Đây là bài toán thách thức bởi giai đoạn dân số vàng đã qua, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra rất nhanh, cần có chính sách chăm lo tương xứng và xây dựng chiến lược quốc gia về người cao tuổi, nghiên cứu sửa đổi Luật Người cao tuổi...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có sự thống nhất, đồng bộ bộ máy tổ chức các cấp hội người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương; có cơ chế, hình thức hoạt động phong phú, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ nòng cốt làm việc trong các cấp hội; phát triển các chi hội người cao tuổi trong tổ chức tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc để phát huy vai trò chức sắc tôn giáo, người có uy tín…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương có phương án hỗ trợ kinh phí, bảo đảm 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) cần phân bổ nguồn lực để xóa nhà dột nát, ưu tiên chăm lo cho người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; xem xét lại độ tuổi và mức hưởng trợ cấp xã hội; khuyến khích xã hội hóa các trung tâm chăm sóc người cao tuổi…
Phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
Trước đó, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới của Bộ là hoàn thiện toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến người cao tuổi; cụ thể là các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó, huy động khu vực tư nhân tham gia vào công tác này...
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác người cao tuổi được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với việc ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện. Các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi ban hành kế hoạch, chương trình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Có 13 tỉnh/thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định; 20 tỉnh/thành phố mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập còn nhiều hạn chế…
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung tổ chức triển khai thực hiện chính sách nhằm phát huy vai trò người cao tuổi; bố trí kinh phí thực hiện Luật Người cao tuổi và các chương trình, chính sách đề án liên quan; hỗ trợ tổ chức Hội và công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; hỗ trợ người cao tuổi trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, tham gia giao thông công cộng, tiếp cận thông tin, giáo dục; quan tâm chăm sóc sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi…
UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về luật pháp, chính sách với người cao tuổi; vận động người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kiện toàn ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh; phân bổ nguồn lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách…
Hiện cả nước có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm trên 13% dân số. Trong đó, 1,97 triệu người từ 80 tuổi trở lên, trên 7,5 triệu người là nữ, 8,1 triệu người sống ở nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo 11,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước)…