Nâng cao giá trị lá phiếu tín nhiệm

Dư luận đang rất chờ đợi Quy định số 96-QĐ/TƯ ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về 'Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị' (Quy định 96) đi vào thực tế cuộc sống. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, Quy định 96 thể hiện rõ tư duy đổi mới, nâng cao giá trị lá phiếu tín nhiệm và nhân lên quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Trực tiếp và mạnh mẽ

- Đồng chí có thể cho biết góc nhìn của mình về những điểm mới của Quy định 96 vừa được Bộ Chính trị ban hành?

- So với Quy định 262-QĐ/TƯ được ban hành từ năm 2014, Quy định 96 không những có sự kế thừa, mà còn phát triển lên tầm cao mới. Có thể nói, Quy định 96 đã hội tụ đầy đủ những tính chất cần có của một quy định thực hiện chủ trương quan trọng của Trung ương về công tác cán bộ.

Về hình thức, cũng với 3 chương, 12 điều như quy định cũ, nhưng quy định mới có cấu trúc mạch lạc, ngắn gọn, câu chữ mạnh mẽ, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Về nội dung, Quy định 96 tập trung vào những vấn đề có tính khái quát cao, mang tính nguyên tắc, nhưng cũng không kém phần cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện như quy định về tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, 3 bước của quy trình lấy phiếu tín nhiệm, công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm...

Ở từng nội dung đều có những nét mới theo hướng đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; đồng thời, rất coi trọng tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Nhìn tổng thể, Quy định 96 cho thấy rõ trí tuệ và tư duy đổi mới của Đảng, thống nhất xuyên suốt về phong cách với các văn bản mà Trung ương đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.

Ở từng chương, từng điều đều có những nét đổi mới mang tính hoàn thiện, nâng cấp một quy định có ý nghĩa quan trọng, nhất là bảo đảm tính khả thi, qua đó đã khẳng định giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như giá trị, tác dụng, hiệu lực, hiệu quả sử dụng của lá phiếu. Có thể nói, Quy định 96 đã đưa việc lấy phiếu tín nhiệm lên tầm cao mới.

- Đồng chí có thể nói rõ hơn về điều này?

- Nội dung này thể hiện rõ ở Điều 11 quy định về việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Quy định 96 đã coi kết quả phiếu tín nhiệm là rất quan trọng, áp ngay vào việc đánh giá cán bộ, chứ không đơn thuần là kênh tham khảo nữa.

Điều ấn tượng nhất cũng chính là Quy định 96 đã bỏ hai từ “tham khảo” trong cả phần nguyên tắc và Mục 1, Điều 11 quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Thay vào đó là nêu rõ: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Các mục khác ở Điều 11 cũng thể hiện rõ nét mới này, khi các cụm từ như “cần được xem xét” hay “cần kịp thời xem xét” đã được loại bỏ, thay vào đó là nội dung có tính trực tiếp, mạnh mẽ, như: “Đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”.

Có thêm một chỗ dựa tin cậy, một nguồn động lực mới

- Vậy theo đồng chí, Quy định 96 sẽ tác động như thế nào đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị?

- Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để thực hiện các khâu của công tác cán bộ, giúp việc sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc...

Trong công tác cán bộ, khâu yếu và cũng là khâu khó nhất vẫn là đánh giá cán bộ. Nên khi có thêm một công cụ mạnh mẽ, thực chất như Quy định 96 thì chắc chắn các cấp ủy sẽ có thêm một chỗ dựa tin cậy, một nguồn động lực mới để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã đề ra.

- Đối với Hà Nội thì sao, khi mà vấn đề đánh giá cán bộ luôn được Thành ủy rất quan tâm?

- Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ; là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện đánh giá cán bộ hằng tháng, vừa qua lại đi đầu trong ứng dụng phần mềm vào công tác này. Các quy trình, quy định và đánh giá cán bộ vừa qua tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm việc đánh giá thực chất, khắc phục triệt để bệnh hình thức, cào bằng.

Có thể nói, thời gian qua, kết quả đổi mới công tác này đồng bộ với các khâu khác của công tác cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và điều động, luân chuyển..., chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố đã được nâng lên đáng kể. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, như vừa qua đã giúp thành phố vượt qua những thử thách, khó khăn.

Thành phố vẫn đang tiếp tục đổi mới, sáng tạo để đưa việc đánh giá cán bộ ngày càng sát hơn với thực tiễn, lấy “thước đo” là sản phẩm công việc, là uy tín của cán bộ. Cho nên, Quy định 96 của Bộ Chính trị cũng chính là sự mong chờ của địa phương, cơ sở.

- Là cơ quan tham mưu quan trọng trong tổ chức triển khai thực hiện Quy định 96 tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm gì để bảo đảm quy định đi vào thực tiễn chất lượng, hiệu quả?

- Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ động vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để làm tốt nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thuộc diện Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định 96 ở thành phố, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Thời gian bắt tay vào thực hiện cụ thể việc lấy phiếu tín nhiệm cũng không còn lâu nữa, bởi phải thực hiện ngay trong năm 2023 - năm thứ ba của nhiệm kỳ, nên chúng tôi xác định phải thật khẩn trương.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Hà Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1056588/nang-cao-gia-tri-la-phieu-tin-nhiem