Nâng cao giá trị ngành hàng cà phê bằng những thương hiệu mạnh
Cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Đắk Lắk cũng như của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị mang lại vẫn thấp so với các nước xuất khẩu cà phê khác. Vậy làm cách nào để cà phê Đắk Lắk gia tăng được giá trị trong chuỗi cà phê toàn cầu?
Tạo dựng hình ảnh mới cho hạt cà phê
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, trong số 19 tỉnh có sản xuất cà phê của cả nước, diện tích, sản lượng cà phê Đắk Lắk chiếm gần 1/3. Tại Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, có 3 sản phẩm cà phê được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, đó là: Cà phê Buôn Ma Thuột, Cà phê Sơn La và Cà phê Đắk Hà. Hiện nay, diện tích cà phê có chất lượng cao của tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 160.000 tấn, chiếm khoảng 28,77% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Đặc biệt là cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam được tổ chức định kỳ hằng năm đã tạo động lực cho nhiều DN, hợp tác xã (HTX), cá nhân làm cà phê đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cũng đã giúp sản phẩm cà phê Đắk Lắk được nâng tầm; những khách hàng quốc tế đã có cái nhìn mới về chất lượng cà phê Việt Nam và nhờ đó cà phê Đắk Lắk từng bước chinh phục được nhiều thị trường khó tính.
Với xu hướng đó, ngoài những “ông lớn” trong ngành hàng cà phê của Đắk Lắk như An Thái, Trung Nguyên, Simexco Đắk Lắk… tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, công nghệ, đa dạng sản phẩm để mang lại hiệu quả cao hơn nữa đối với sản phẩm cà phê, thì các DN nhỏ của địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Với Công ty TNHH Ê-đê Café (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), chất lượng là vấn đề được DN đặt lên hàng đầu. Anh Y Pốt Niê, Giám đốc công ty quan niệm, thương hiệu là cảm nhận tổng thể về chất lượng, uy tín làm nên giá trị cốt lõi của DN. Do đó, anh theo đuổi đam mê làm cà phê sạch mang nhãn hiệu của đồng bào mình. Và ngay sau khi thành lập công ty, Y Pốt đã đăng ký bảo hộ cho dòng sản phẩm mang nhãn hiệu “Ê-đê Café”.
Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho loại nông sản làm ra từ buôn làng này, Ê-đê Café kiên trì với nguyên tắc trồng cà phê sạch và rang cà phê mộc, bao gồm hai dòng chính: cà phê rang củi thủ công và cà phê rang máy, tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhờ chú trọng đến chất lượng, Ê-đê Café đã từng bước có chỗ đứng nhất định trên thị trường, không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và xuất đi các nước Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Trung Quốc.
Hay như HTX Ea Tân đã liên kết với Công ty Simexco Đắk Lắk triển khai sản xuất theo quy trình cà phê đặc sản. Theo ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân, sản phẩm cà phê đặc sản của HTX đã được xuất khẩu đi các nước châu Âu, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đó là tín hiệu tích cực, thành công bước đầu của HTX.
Hiện HTX đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm để không chỉ phát triển ở thị trường nội địa, mà còn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các nước châu Âu, góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu cà phê đặc sản của huyện Krông Năng nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh nâng tầm thương hiệu
Trên thực tế, cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Đắk Lắk với sản lượng xuất khẩu đạt trên 200.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, về khối lượng, cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam đang nằm phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng cà phê.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho rằng, cần chuyển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển thương hiệu, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu thì khó thể đi xa được. Do đó, vấn đề đặt ra cho DN của tỉnh là nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 250 cơ sở, DN chế biến cà phê, phần lớn là DN vừa và nhỏ, chế biến theo phương pháp chế biến khô. Do đó, quá trình xây dựng thương hiệu cũng đứng trước nhiều thách thức. Nhất là việc nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực, công nghệ, nhân lực của DN, cơ sở chế biến.
Sự thay đổi từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang mô hình sản xuất, chế biến đòi hỏi chiến lược, sự đầu tư bài bản hơn và làm thương mại cho sản phẩm. Để làm được điều đó, DN sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đầu tư dây chuyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là phát triển thương hiệu để tiếp cận thị trường thế giới. Quá trình thay đổi này không thể đến ngay lập tức trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân DN cũng như sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Xuân Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn - An Thái (thuộc Tập đoàn An Thái) khẳng định, chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột tự tin sẽ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính và trong tương lai sẽ còn đi xa hơn nữa.
Tuy nhiên, Đắk Lắk cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho các DN sản xuất, kinh doanh cà phê; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến; hỗ trợ các DN xây dựng, phát triển thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê chất lượng cao…
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, với nỗ lực tăng thêm giá trị cho cà phê nhân có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, các công ty sử dụng nhiều phương pháp chế biến khác nhau để nâng cao chất lượng cà phê nhân nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng. Đến nay, sản phẩm cà phê nhân có Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính của châu Âu, châu Á và châu Mỹ.