Nâng cao giá trị rừng trồng

Với diện tích đất rừng sản xuất lớn trên 120.000ha, tập trung nhiều ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa là thế mạnh để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người dân các địa phương. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng trên cùng một đơn vị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Sản xuất, chế biến gỗ, Công ty TNHH Thanh Lam, khu 8, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao giá trị rừng sản xuất.

Sản xuất, chế biến gỗ, Công ty TNHH Thanh Lam, khu 8, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao giá trị rừng sản xuất.

Để nâng cao giá trị rừng sản xuất, hàng năm, ngành Nông nghiệp, các địa phương nỗ lực duy trì diện tích rừng sản xuất, chú trọng trồng bổ sung đi đôi với công tác thâm canh, chăm sóc để rừng đạt năng suất, sản lượng cao, ổn định. Giai đoạn 2021 - 2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 9,27 nghìn ha, chăm sóc 28.000ha rừng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác đạt khoảng một triệu m3/năm.

Được triển khai nhiều năm về trước, mô hình trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất: Tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ... Từ “lợi ích kép” của mô hình mang lại, các địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện; hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Song song với đó, ngành Kiểm lâm đã hướng dẫn để người dân thực hành tốt quy trình, kỹ thuật thâm canh trồng rừng gỗ lớn; từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc; thực hiện các quy trình kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gỗ rừng trồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 12 nghìn ha rừng gỗ lớn; tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa. Riêng trong năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã trồng và chuyển hóa khoảng 2.200ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Đồng chí Hoàng Anh Vũ - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Sơn thông tin: Năm 2023, toàn huyện trồng, chuyển hóa trên 600ha rừng gỗ lớn. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chống biến đổi khí hậu, việc mở rộng diện tích rừng gỗ lớn còn nâng cao năng suất rừng trồng, tạo sinh kế để người dân các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi yên tâm sản xuất. Huyện tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn để phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn.

Nhằm nâng cao giá trị rừng trồng, tỉnh cũng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp, mở rộng diện tích trồng quế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các địa phương có điều kiện phù hợp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Năm 2023, toàn tỉnh trồng mới 320ha quế tập trung, nâng tổng số diện tích trồng quế đạt 2.874ha.

Với trên 500ha, Yên Lập là huyện có diện tích trồng quế lớn của tỉnh, trong đó khoảng 90ha quế có tuổi đời trên 15 năm. Thực hiện nâng cao giá trị rừng sản xuất trên cơ sở mở rộng vùng trồng quế, Đảng bộ huyện Yên Lập đã xây dựng và ban hành Nghị quyết phát triển đồi rừng, trong đó trọng tâm là cây gỗ lớn, quế...

Ông Đinh Văn Thắng, khu Nai, xã Trung Sơn chia sẻ: Hiện nay, cây quế đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cây lâm nghiệp khác trên cùng một diện tích sản xuất nên gia đình tôi cùng người dân trong xã đã chuyển dần sang trồng quế. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng quế chúng tôi còn được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón... Đây trở thành động lực, thêm điều kiện để chúng tôi nâng cao năng suất cây quế, tăng thu nhập.

Song hành với đó, công tác cấp chứng chỉ rừng bền vững được triển khai mạnh, tạo thuận lợi nâng cao giá thành, tạo “tấm vé thông hành” hỗ trợ các sản phẩm từ gỗ được xuất khẩu, thâm nhập thị trường quốc tế. Theo đánh giá, giá trị kinh tế từ các sản phẩm lâm sản được chế biến từ gỗ có chứng chỉ FSC, giá trị cao hơn từ 20-30% so với các sản phẩm thông thường.

Gắn trồng rừng với phát triển ngành công nghiệp chế biến được xác định là giải pháp căn cơ, hữu hiệu để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng bởi tận dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ, giảm chi phí trung gian trong sản xuất, chế biến, đa dạng các sản phẩm lâm sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Địa bàn tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, sáu hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa, khoảng 2.100 cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ.

Nhiều doanh nghiệp, công ty chế biến gỗ trên địa bàn đã đầu tư sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ như sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất gỗ dán, ván ép, sản xuất gia công các sản phẩm nội thất phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngành chế biến gỗ cũng tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong các cơ sở chế biến và cho rất nhiều lao động trồng rừng ở khu vực nông thôn, miền núi.

Khánh Duy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-rung-trong/202857.htm