Nâng cao giá trị sản xuất chè xanh chất lượng cao

PTĐT - Với diện tích trên 16.000ha, tổng sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt trên 175.000 tấn, cây chè đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi.

Thực hiện quy trình trồng và chế biến chè an toàn góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Chùa Tà tại xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh.

Thực hiện quy trình trồng và chế biến chè an toàn góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Chùa Tà tại xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh.

PTĐT - Với diện tích trên 16.000ha, tổng sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt trên 175.000 tấn, cây chè đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi. Dựa trên tiềm năng hiện có, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu chè Phú Thọ, đặc biệt nâng cao chất lượng chè xanh chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè đang được quan tâm, chú trọng.
Hiện nay tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đưa ngành chè Phú Thọ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường. Nhiều chương trình hỗ trợ đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất từ chè nói chung và sản xuất chè xanh nói riêng. Hiện nay, dự án cải thiện nông nghiệp có tưới WB7 đang được triển khai nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Hợp phần 3 của dự án hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án thành phần cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện 4 mô hình, trong đó có mô hình chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn với quy mô trên 19ha. Năm 2019, quy mô mở rộng mô hình trên cơ sở 380ha chè sẵn có tại 6 huyện với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ người dân thâm canh chè, hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; mở 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ thuật, liên kết sản xuất; xây dựng 125 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ thiết bị chế biến chè cho cơ sở chế biến. Thông qua mô hình nhằm nâng cao nhận thức về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân và cán bộ cơ sở; chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp, sản xuất an toàn; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư nông nghiệp. Năm 2018, từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ HTX, làng nghề chế biến chè gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ. Làng nghề chè Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn và HTX chè Văn Miếu, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn được hỗ trợ điểm chế biến sản phẩm chè tập trung, thiết bị phục vụ chế biến chè; hỗ trợ quảng bá, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm... Năm 2019, cũng từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục xây dựng và đang triển khai mô hình “Bảo quản, chế biến gắn với tổ chức sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc và cải tiến mẫu mã sản phẩm gắn với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè xanh Phú Thọ”; mô hình hỗ trợ HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn; Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long và HTX chè Cẩm Mỹ tại huyện Thanh Sơn. Các đối tượng được hỗ trợ vật tư thiết yếu trong thâm canh chè; hỗ trợ máy móc chế biến nhằm nâng cao chất lượng chè trong khâu chế biến, hoàn thiện chuỗi từ sản xuất chè búp tươi an toàn đến chế biến sản phẩm an toàn; hỗ trợ quảng bá, truy xuất nguồn gốc và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí thực hiện mô hình chè trên 1,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 trên 935 triệu đồng, kinh phí đối ứng trên 968 triệu đồng. Qua các mô hình, dự án nói riêng và các lớp tập huấn kỹ thuật nói chung, người dân vùng chè đã dần áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Về tổ chức sản xuất, đã có sự đổi mới liên kết trong sản xuất, nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chè an toàn để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình canh tác tiên tiến được ứng dụng và triển khai có hiệu quả, mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình an toàn đạt khoảng 3.150ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp chế biến chè với công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày, gần 1.300 cơ sở chế biến chè thủ công, 17 làng nghề và 10 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Đến nay, sản lượng chè chế biến trên địa bàn tỉnh đạt trên 50.000 tấn/năm. Cơ cấu sản phẩm chế biến có sự chuyển biến theo hướng tăng sản phẩm chè xanh với khoảng 30%. Toàn tỉnh đã bước đầu hình thành 136 vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chè xanh, được trồng bằng các giống chè chất lượng cao với diện tích gần 2.300 ha. Trên địa bàn tỉnh từng bước xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ với các nhãn hiệu như: Chè Bảo Long, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà... Thông qua một số dự án khuyến nông, khuyến công đã giúp cho các làng nghề, HTX như Long Cốc, Thanh Hà, Phú Thịnh... sản xuất ra một số sản phẩm chè xanh có bao bì và nhãn mác hoàn chỉnh.Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ có 130 hộ, diện tích chè của các hộ trong làng nghề khoảng 25ha, trong đó có 60 hộ trồng chè kết hợp với chế biến chè. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề cho biết: Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và người dân tự đầu tư, các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất và chế biến chè được trang bị khá đồng bộ như máy sao chè bằng gas; sao sấy bằng tôn innox, máy hút chân không... Được hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bắt đầu được tiêu thụ qua một số siêu thị, cửa hàng. Các hộ trong làng nghề đã mở rộng diện tích chè an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới để khẳng định giá trị và thương hiệu chè xanh Phú Thịnh nói riêng, chè Phú Thọ nói chung.Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, hỗ trợ triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ về trồng, chế biến chè xanh chất lượng cao. Hoàn thiện nhiều quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè mới như quy trình chế biến chè ô long, chè xanh thơm, chè xanh mao tiêm theo hệ thống canh tác khép kín. Tuy chè xanh của tỉnh đã có bước phát triển nhưng còn hạn chế nhất định do chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cải tạo giống chè mới chất lượng cao, quy trình, kỹ thuật canh tác, thu hái và công nghệ chế biến tiên tiến, đạt chuẩn là cần thiết. Từ đó xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, góp phần tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201907/nang-cao-gia-tri-san-xuat-che-xanh-chat-luong-cao-165491