Nâng cao giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số với mô hình Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng
Thông qua mô hình Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã đi sâu vào cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội.
Là tỉnh ở phía Đông Bắc có địa hình cao nguyên, nhiều đồi núi cao, địa bàn rộng nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Đắk Lắk đã áp dụng nhiều biện pháp để đổi mới hình thức, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là đối với người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật.
Để đáp ứng với tình hình thực tế, mô hình Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng (gọi tắt là Tổ) được triển khai từ đầu năm 2018 trên địa bàn các xã: Cư Mốt, Ea Sol, Ea Wy, Cư A Mung, Ea Khăl, Dliê Yang của huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Với việc triển khai mô hình Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng, hoạt động PBGDPL đã "đi sâu" vào cộng đồng dân cư. Đối tượng hướng tới tư vấn của Tổ là phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội. Tổ đã tập trung tư vấn các nội dung thuộc lĩnh vực bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý trong vụ việc có trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bị bạo hành. Ngoài ra, Tổ cũng tư vấn về lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực khác nếu người dân có nhu cầu…
Phương châm và nguyên tắc hoạt động của Tổ nhất quán, đó là: tuân thủ nghiêm chỉnh, chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khách quan và đem lại hiệu quả trên thực tế. Đến này, Tổ đã tư vấn cho hàng trăm phụ nữ, trẻ em.
Để công tác PBGDPL đi vào thực chất, hằng năm, ở các chi hội phụ nữ tại thôn, buôn sẽ khảo sát nhu cầu của người dân trong đơn vị mình và gửi đề nghị những Luật cần được phổ biến cho thôn, buôn mình về Tổ tư vấn thông qua Hội phụ nữ xã. Sau khi nhận được đề nghị, Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng sẽ phân công thành viên phụ trách lĩnh vực mà thôn, buôn đề nghị được tư vấn để chuẩn bị nội dung. Tổ hoạt động lưu động, có thể tới tận nhà những người có nhu cầu được tư vấn để tư vấn trực tiếp, tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân trên địa bàn xã.
Thông thường, tổ tư vấn có từ 8 đến 10 thành viên, gồm công chức Tư pháp - Hộ tịch, viên chức Dân số Kế hoạch hóa gia đình, công chức Văn hóa - Xã hội, công chức Địa chính - Xây dựng… Tổ trưởng là Chủ tịch Hội LHPN xã.
Tất cả thành viên của Tổ tư vấn đều có am hiểu về pháp luật và có khả năng truyền đạt dễ hiểu, gần gũi. Địa điểm sinh hoạt của Tổ tư vấn là sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của Hội LHPN xã.
Kết quả hoạt động của Tổ tư vấn đã tác động tích cực lên nhận thức pháp luật của cộng đồng. Có thể kể đến 5 kết quả nổi bật đó là:
(1) Làm thay đổi nhận thức pháp luật của đối tượng tác động: Tổ tư vấn đã hướng dẫn, tư vấn và giải đáp cụ thể kịp thời cho người dân những vấn đề về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình…
(2) Việc triển khai mô hình ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn: Người dân trên địa bàn xã hầu hết chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
(3) Mô hình có tính khả thi, đã, đang được triển khai tại địa phương, hướng tới các đối tượng cụ thể trong thực tiễn: Mô hình được triển khai trong thời gian dài tại địa phương, với sự tham gia tích cực của các cán bộ, công chức cấp xã. Mô hình cũng đã xác định được đối tượng tập trung hướng đến, nên các hoạt động có trọng tâm, từ đó giúp cho các đối tượng được tư vấn, tuyên truyền hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật.
(4) Mô hình có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài: Qua hơn 06 năm triển khai thực hiện, có thể thấy rằng việc lựa chọn, xây dựng mô hình này là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có khả năng duy trì, phát triển ổn định lâu dài.
(5) Mô hình có thể được nhân rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng: Từ những phân tích, đánh giá tính hiệu quả nêu trên có thể thấy mô hình đã đem lại kết quả tốt, giúp cho địa phương từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, sự thành công của mô hình đã có sự lan tỏa mạnh đến một số địa phương trên địa bàn huyện và tỉnh.