Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng và đấu giá tài sản
Sáng 22-1, Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động công chứng và đấu giá tài sản năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Toàn cảnh hội nghị.
Năm 2020, Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo, quản lý đưa hoạt động công chứng, đấu giá tài sản đi vào nền nếp, góp phần cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giảm tải cho khu vực hành chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các tổ chức công chứng, đấu giá tài sản có nhiều cố gắng trong việc kiện toàn tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng yêu cầu hoạt động. Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức công chứng, đấu giá tài sản cũng như của đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên trong quá trình hoạt động đã từng bước được nâng lên...
Hiện toàn tỉnh có 53 tổ chức hành nghề công chứng (3 phòng và 50 văn phòng) với 87 công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 130.513 việc (trong đó 126.191 hợp đồng giao dịch); thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ văn bản và chứng thực chữ ký 177.697 trường hợp. Thu phí công chứng, chứng thực gần 35 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 3 tỷ đồng. Các tổ chức hành nghề công chứng đã chấp hành tốt quy định về nghĩa vụ của tổ chức, như: Thuế, tài chính; thực hiện báo cáo thống kê đúng định kỳ và đúng thời hạn theo quy định; thực hiện tốt việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên; tạo điều kiện để công chứng viên tham gia các hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp hoặc Hội Công chứng viên tổ chức.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đối với lĩnh vực đấu giá tài sản, toàn tỉnh hiện có 36 tổ chức đấu giá tài sản (trong đó có 30 công ty, 6 chi nhánh, 1 trung tâm đấu giá tài sản) với 46 đấu giá viên. Trong năm, các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện 823 cuộc đấu giá tài sản; đấu giá thành 563 cuộc; giá khởi điểm gần 4.652 tỷ đồng; giá bán hơn 5.805 tỷ đồng; bán vượt so với giá khởi điểm 1.153 tỷ đồng; thu thù lao dịch vụ đấu giá gần 15 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện lập sổ đăng ký đấu giá tài sản và sổ theo dõi tài sản đấu giá; thực hiện đầy đủ việc báo cáo thống kê với Sở Tư pháp đúng định kỳ, đúng thời hạn và đúng mẫu; thực hiện đúng quy định về pháp luật lao động; chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ tài chính, kế toán, thống kê theo quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nêu lên những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, đấu giá tài sản trong năm 2021.
Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh tham luận tại hội nghị.
Đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Đình Sơn ghi nhận những kết quả đạt được của các tổ chức đấu giá và hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh trong năm qua, đồng thời đề nghị thời gian tới lĩnh vực công chứng thực hiện nghiêm túc quyết định 38/2020/QĐ-UBND ngày 29-10-2020 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; hằng ngày phải cập nhật đầy đủ thông tin hợp đồng vào sổ; từ chối thực hiện chứng thực đối với khách hàng sử dụng chứng minh Nhân dân hết hạn; không được công chứng các hợp đồng chờ, đặc biệt các giấy tờ mua bán ô tô, xe máy. Đối với lĩnh vực đấu giá tài sản, phải công khai bán hồ sơ, bố trí cán bộ bán hồ sơ cho Nhân dân trong giờ hành chính; không được đấu giá quyền sử dụng đất các mặt bằng chưa sạch...