Nâng cao hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm

Những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có những chuyển biến mạnh, đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) và bài trừ các tệ nạn xã hội. Nhiều mô hình PCTP đã góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống tội phạm

Việc xây dựng các mô hình PCTP đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào TDBVANTQ. Lực lượng công an các cấp đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tại cơ sở.

Xây dựng nhiều mô hình PCTP mang lại hiệu quả cao (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: K.N

Xây dựng nhiều mô hình PCTP mang lại hiệu quả cao (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: K.N

Một số mô hình điển hình tiên tiến được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Bộ Công an đánh giá cao như: mô hình “Tiếng loa an ninh”; phổ biến số điện thoại đường dây nóng của lực lượng công an tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. “Tiếng loa an ninh” với cách làm sáng tạo gắn loa cố định hoặc loa di động trên xe môtô, xe gắn máy hoặc xe ôtô, thực hiện tuyên truyền lưu động trên mọi địa bàn, từ vùng sâu, vùng xa đến các các tuyến đường nhỏ hẹp, các khu dân cư đông đúc… Mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực trong nâng cao hiểu biết pháp luật, đề cao cảnh giác của nhân dân đối với các loại tội phạm nguy hiểm; hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không có điều kiện tuyên truyền, vận động tập trung, mô hình “Tiếng loa an ninh” đã phát huy hiệu quả tối ưu, đảm bảo truyền tải thông tin đầy đủ, rộng khắp, kịp thời đến nhân dân, góp phần tăng cường công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Mô hình “3 không trong khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường” được xây dựng đầu tiên tại Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương năm 2011, nhằm mục đích không bạo lực, bạo hành trong học đường; không tham gia các tệ nạn xã hội; không để cháy nổ xảy ra, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho thanh thiếu niên và học sinh. Sau 10 năm triển khai thực hiện tại Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, mô hình đã nhiều lần được củng cố, nâng cấp thành mô hình “5 không, 2 có” và hàng năm đều có báo cáo sơ kết, rút kinh nghiệm để mô hình đạt hiệu quả cao hơn trong năm tiếp theo. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở 19 đơn vị thuộc các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Kết quả hoạt động của mô hình góp phần thúc đẩy phong trào TDBVANTQ phát triển sâu rộng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đã được nâng lên; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, học sinh. Đặc biệt là tình trạng bạo lực, bạo hành trong học đường giảm rõ rệt so với trước khi thực hiện mô hình.

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả các mô hình

Để tiếp tục thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ, đồng chí Phạm Hồng Thái - Trưởng Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ, Công an tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới". Tổ chức chặt chẽ, duy trì mối quan hệ mật thiết, đoàn kết nhất trí, trao đổi thông tin, chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, chương trình, kế hoạch có liên quan đến công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ. Đồng thời, tập trung phối hợp chỉ đạo xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ các cấp; củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố và các lực lượng nòng cốt làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tổ chức diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân; kiểm tra toàn diện các mô hình đảm bảo ANTT.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương sơ, tổng kết các mô hình đảm bảo ANTT, đồng thời tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh nhân rộng các mô hình điển hình trong đảm bảo ANTT - công tác này được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Bộ Công an đánh giá cao. Ngoài ra, Công an tỉnh còn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường nhân rộng mô hình “Tuyến đường đảm bảo ANTT, sáng, xanh, sạch, đẹp”, nhằm vừa phục vụ cho công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, vừa phục vụ cho công tác xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đăng ký đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an và khen thưởng phong trào TDBVANTQ năm 2022. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng công an với quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ. Tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tịch, liên ngành đã ký kết về công tác bảo đảm ANTT...

K.N

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-hieu-qua-cac-mo-hinh-phong-chong-toi-pham-53646.html