Nâng cao hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Công tác xây dựng, nâng cao hiệu quả mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có vai trò rất quan trọng, phản ánh khả năng tập hợp và huy động sức mạnh các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra; hoặc nếu xảy ra thì được phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay, có 3 loại mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện phổ biến gồm: Mô hình có chức năng tư vấn, chỉ đạo, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của UBND xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tham gia; ban điều hành mô hình gồm lãnh đạo UBND xã, Công an xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…có nhiệm vụ tư vấn cho cấp ủy, chính quyền đề ra các chủ trương, biện pháp và chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn; hoạt động dưới hình thức hội đồng bảo vệ ANTT với các tên gọi như “Xã an toàn về ANTT”, “Xã không có tội phạm và tệ nạn xã hội”… Mô hình có chức năng vừa quản lý, vừa thực hành do người có chức danh đứng đầu có nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động đảm bảo ANTT ở cơ sở; hoạt động dưới hình thức các ban đảm bảo ANTT ở khu phố, thôn, bản hoặc ở cơ quan, doanh nghiệp. Tên gọi cụ thể của mô hình này như “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Phân xưởng đảm bảo ANTT”… Mô hình có chức năng thực hành, mang tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải, tự bảo vệ. Đây là loại mô hình tiêu biểu, thể hiện tính chất tự giác của quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm ANTT; hình thức cụ thể hóa với tên gọi như “Xứ đạo bình yên”, “Câu lạc bộ liên kết bảo vệ tài sản ngoài trời”…
Thời gian qua, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn đã tập trung thực hiện công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, trong đó chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Thông qua mô hình đã huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 7 loại/621 mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; nhiều mô hình tiêu biểu, phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được nhân rộng, tiêu biểu như mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Cụm liên hoàn an toàn về an ninh trật tự địa bàn giáp ranh”, “Doanh nghiệp vững mạnh - địa bàn bình yên”, “Camera an ninh”…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và hoạt động của các mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các đơn vị chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn dân đối với công tác xây dựng, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tuyên truyền vai trò, vị trí của các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn ANTT.
Thượng tá Mai Anh Tú, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh, cho biết: Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá vừa thực hiện, Công an các địa phương cần tiếp tục đánh giá, rà soát cụ thể nhằm tính toán phương án củng cố, duy trì các mô hình hiệu quả, thanh loại các mô hình kém chất lượng, không hiệu quả. Tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở loại bỏ tư duy thành tích trong xây dựng mô hình nhằm từng bước củng cố công tác này đi vào thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, trong quá trình xây dựng, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cần gắn với tình hình thực tế và các phong trào khác tại địa phương, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp, phát huy hiệu quả. Hiện nay, mô hình có chức năng thực hành mang tính chất tự phòng, tự quản đang được một số địa phương trong tỉnh xây dựng và phát huy hiệu quả thực tế. Điển hình như mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” ở một số địa phương đã gắn công tác đảm bảo ANTT với văn hóa, truyền thống của dòng tộc, gia phong, phong trào xóa đói giảm nghèo, khuyến học… nên có khả năng gắn kết, phát huy hiệu quả.
Thượng tá Mai Anh Tú nhấn mạnh: Các đơn vị, địa phương cần chú trọng và duy trì các hoạt động thường xuyên của mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội như giao ban, sơ kết, tổng kết định kỳ; các hoạt động của mô hình như cung cấp nguồn tin tố giác tội phạm; công tác tuần tra, phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật, giáo dục đối tượng tại cộng đồng…Vận dụng linh hoạt các hình thức huy động nguồn lực vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu, nhân rộng các loại mô hình tiêu biểu trên phạm vi toàn tỉnh.