Nâng cao hiệu quả Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

ĐBP - Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), toàn tỉnh có 35 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP thành thương hiệu, có mặt ở nhiều thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Anh Thào A Vừ hướng dẫn người dân bản Phô, xã Trung Thu chăm sóc cây dâu tây.

Thúc đẩy sản xuất “nông nghiệp xanh”

Trước đây, khi chưa có Chương trình OCOP, những sản phẩm đặc trưng chưa được các địa phương chú trọng phát triển, nhiều sản phẩm có tiếng về chất lượng nhưng chỉ dừng lại ở sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ. Từ khi Chương trình OCOP được triển khai, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đã được đưa vào kế hoạch xây dựng đạt chuẩn OCOP. Nhiều mô hình sản xuất mới, sáng tạo được hình thành và phát triển góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở.

Trước đây, trên những diện tích nương, chân ruộng một vụ tại bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa), người dân chỉ biết trồng ngô, lúa nương. Năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2019, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Trung Thu thành lập Hợp tác xã H’Mông sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả an toàn; thực hiện liên kết với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu. Cùng với sự tuyên truyền, vận động, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền xã, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dâu tây. Sau năm đầu triển khai, cây dâu tây hợp khí hậu, thổ nhưỡng cho năng suất cao, quả to, mọng nước và rất ngọt. 100% sản phẩm được HTX thu mua tận vườn, hiệu quả kinh tế gấp 5 - 6 lần sản xuất các loại cây trồng truyền thống. Nhận thấy dâu tây phù hợp với địa phương, xã Trung Thu đưa giống cây này vào kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP của xã; khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tạo vùng nguyên liệu ổn định. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thuê máy về cải tạo nương thành ruộng bậc thang để trồng dâu tây.

Sau khi tốt nghiệp Ðại học Tây Bắc, trở về địa phương, kỹ sư nông nghiệp Thào A Vừ được UBND xã tuyển vào vị trí cán bộ khuyến nông xã. Ngoài thời gian làm bán chuyên trách tại xã, năm 2019, khi HTX H’Mông được thành lập và liên kết sản xuất với người dân trên địa bàn, Thào A Vừ đăng ký tham gia. Anh chuyển đổi 1.000m2 ruộng để trồng dâu tây. Với kiến thức được đào tạo ở trường, vườn dâu tây của chàng kỹ sư nông nghiệp cho năng suất khá, thu nhập 20 triệu đồng sau năm đầu thử nghiệm.

Anh Thào A Vừ cho biết: “Với 1.000m2 ruộng, nếu trồng lúa thu hoạch chả đáng bao nhiêu nhưng trồng dâu tây cho thu nhập cao hơn, trong khi mình chỉ phải bỏ công chăm sóc còn giống, phân bón HTX hỗ trợ. Năm nay, tôi đã đầu tư 80 triệu đồng thuê máy về cải tạo những diện tích nương dốc thành ruộng bậc thang để trồng dâu tây. Hiện nay, tổng diện tích dâu tây đã nâng lên hơn 4.000m2. Tôi đào hố to để tích nước và lắp hệ thống tưới nhỏ giọt để tưới cho cây dâu tây. Năm nay tôi đã vận động thêm gia đình các chú, bác và nhiều hộ trong thôn chuyển đổi sang trồng dâu tây”.

Ông Dương Anh Văn, Giám đốc HTX H’Mông cho biết: “Hiện nay, HTX đang chuẩn bị triển khai mô hình nhà kính để trồng dâu tây tại bản Phô. Dâu tây được trồng trong nhà kính sẽ cho năng suất cao hơn, quả dâu đẹp hơn. Hi vọng sau khi mô hình nhà kính được triển khai sẽ thu hút được nhiều hộ dân tham gia liên kết sản xuất hơn nữa”.

Không dừng lại ở mức “đạt chuẩn”

Sản phẩm đặc trưng địa phương được công nhận đạt chuẩn OCOP chỉ là kết quả bước đầu. Bởi sau đạt chuẩn, việc tổ chức sản xuất; mở rộng vùng nguyên liệu để tăng năng suất, sản lượng; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tăng doanh thu bán hàng, tăng hiệu quả kinh tế mới là nội dung quan trọng, then chốt của Chương trình OCOP. Song đây cũng là khó khăn, vướng mắc của hầu hết các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ðơn cử, theo thống kê của HTX nuôi ong Chà Nưa, sản lượng mật ong năm 2020 của HTX chỉ đạt 300 lít. Sản lượng như vậy là quá thấp so với quy mô HTX, cũng có nghĩa sản phẩm có vùng nguyên liệu quá nhỏ. Ðể sản phẩm ra thị trường, HTX phải chi phí về máy móc đóng hộp, bao bì, tem mác sản phẩm; chi phí giới thiệu quảng bá sản phẩm... Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận thu được cũng chẳng còn bao nhiêu. Và mục tiêu xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng thu nhập của các hộ nuôi ong vẫn còn xa.

Sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa cũng có thực trạng tương tự. Năm 2020, sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu chỉ vỏn vẹn 4ha tại xã Trung Thu do HTX H’Mông trồng thử nghiệm, sản phẩm khoai sọ luôn khan hàng. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện Tủa Chùa đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu tại các xã như: Sính Phình, Trung Thu, Tả Sìn Thàng và Lao Xả Phình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Nâng cao chất lượng Chương trình OCOP đang là vấn đề khó khăn. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới và Sở Công Thương đã chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến các thị trường lớn, thị trường tiềm năng; ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP với các tỉnh... Về phần mình thì các chủ thể kinh tế vẫn chưa thực hiện tốt. Sau khi đạt chuẩn, các khâu tổ chức sản phẩm chưa đảm bảo; vùng nguyên liệu nhỏ, sản lượng ít, hình thức mẫu mã chưa đẹp mắt... Ðơn cử như sản phẩm mật ong Chà Nưa, hiện nay các hộ nuôi ong đơn thuần chỉ là đặt các thùng trong rừng, nếu ong về làm tổ thì có mật nếu đàn ong không về thì không có mật thu hoạch. Ðể có sản phẩm đều, sản lượng ổn định thì số lượng tổ phải lớn, đồng thời phải di chuyển tổ theo mùa hoa mới có được sản phẩm như ý. Tuy nhiên, HTX nuôi ong rừng Chà Nưa chưa thực hiện được. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các chủ thể kinh tế phải nỗ lực thực hiện tốt quy trình sản xuất.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185419/nang-cao-hieu-qua-chuong-trinh-%E2%80%9Cmoi-xa-mot-san-pham%E2%80%9D