NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS vẫn còn khó khăn, bất cập, việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển văn hóa các DTTS có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Từ thực tế đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng
Đề cập về kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Nguyễn Thị Hồng Liên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa và triển khai ban hành các văn bản mang tính pháp quy, các thông tư, đề án, dự án và ký kết các chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN như Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, qua đó đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với 19 nhiệm vụ trọng tâm.
Hàng năm, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa... qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thông qua việc định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; Giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc như tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao..; giao lưu Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia..., các hoạt động này giúp tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
CTMTQG về văn hóa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa trước đây và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay đã có gần 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực ban hành nhiều chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện và có cách làm có hiệu quả khác nhau phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc theo từng giai đoạn. Xây dựng, phát triển mô hình/hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến lưu trú vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng (homestay) gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…
Nhờ các hoạt động nêu trên, trong những năm qua, vùng DTTS nước ta đã có nhiều chuyển biến và đổi mới rõ nét về cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và văn hóa xã hội, trình độ học vấn và dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, trật tự an ninh xã hội, bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc… Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc tăng cường kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các DTTS trong những năm qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng DTTS.
Còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ thực tế công tác này vẫn còn những khó khăn, bất cập. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển văn hóa các DTTS nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc; Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chưa thường xuyên và sâu rộng.
Một số chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được phê duyệt, nhưng không có kinh phí riêng nên triển khai khó khăn, phải lồng ghép vào ngân sách sự nghiệp hàng năm của đơn vị hoặc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa dân tộc trên địa bàn vùng DTTS gần như không có. Lại còn thiếu các văn bản hướng dẫn, áp dụng để triển khai áp dụng mức kinh phí hỗ trợ trong các nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng DTTS rất hạn hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa lại thiếu, yếu nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người DTTS thì ngày càng ít dần. Chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức.
Khảo sát thực tế vùng đồng bào DTTS cho thấy, việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, thể thao, du lịch chưa thực sự được coi trọng và đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những dự án, đề án còn tách rời, biệt lập giữa văn hóa và phát triển kinh tế và giữa các ngành với nhau. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch ở vùng DTTS nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá do thiếu tính đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tuy được đề cao nhưng còn thiếu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
Những đề xuất đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới
Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên cả nước. Tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 65-KL/TW.
Hai là, tập trung tham mưu các giải pháp và nguồn lực cần thiết để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị các địa phương sử dụng nguồn vốn Trung ương từ Chương trình để triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đúng mục tiêu của các dự án, tiểu dự án; đồng thời bố trí đúng, đủ nguồn kinh phí đối ứng triển khai các dự án theo quy định của Chương trình.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu về công tác dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, các chương trình, đề án, dự án về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chế độ chính sách, các cơ chế đầu tư, các định mức hỗ trợ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cần được các ngành quan tâm, phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước;
Bốn là, hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Khuyến khích đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số;
Năm là, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao; Có cơ chế chính sách đặc thù cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa phi vật thể tại cộng đồng các dân tộc;
Sáu là, nghiên cứu ban hành các chính sách cụ thể, thống nhất giữa các địa phương đối với nhà đầu tư cũng như cộng đồng dân cư trong việc quản lý, phát triển các loại hình du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho đồng bào được chia sẻ lợi ích, hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, du lịch./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80287