Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đây là nội dung của Quyết định 33/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh vừa ban hành về quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một trung tâm thương mại ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một trung tâm thương mại ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Tuân thủ quy định pháp luật

Việc phối hợp thực hiện công tác này của các đơn vị, địa phương phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình gửi, nhận, lưu trữ các dữ liệu về phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin, báo cáo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý vi phạm pháp luật và giám sát việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh để tiếp nhận các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các doanh nghiệp thành viên các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các chính sách, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chiến lược kinh doanh.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh làm đầu mối tiếp nhận thông tin cung cấp, phản ánh của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan có liên quan, địa phương trong việc tiếp nhận và xác minh, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Xây dựng quy trình việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Quan tâm, bảo vệ người tiêu dùng

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, năm 2023, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra 1.281 vụ, xử lý 1.216 vụ, thu phạt vi phạm hành chính gần 6,5 tỉ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 7,8 tỉ đồng, bán hàng hóa tịch thu hơn 5,1 tỉ đồng. Lực lượng công an kiểm tra, phát hiện mới 104 vụ liên quan lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng hóa… Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra hơn 400 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, khởi tố hình sự nhiều đối tượng vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính hàng chục tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên trên thực tế quyền của người tiêu dùng vẫn còn đang bị xâm hại và gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Để công tác bảo vệ người tiêu dùng đạt hiệu quả hơn trong thời gian đến, cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và quan trọng nhất vẫn chính là người tiêu dùng. “Người tiêu dùng hãy sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách an toàn, hiệu quả; hãy lên tiếng phản ánh, đấu tranh chống lại những hành vi xâm hại, thiếu tôn trọng, gian lận của các tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ”, ông Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Với 7 chương, 80 điều, luật năm 2023 quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ đối với người tiêu dùng; hoàn thiện hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319451/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung.html