Nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới

Xác định công tác bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội, những năm qua, với vai trò nòng cốt trong đoàn kết tập hợp các tầng lớp phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Phú Thọ bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương đã có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp tốt với các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác bình đẳng giới với Phong trào 'Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc', Cuộc vận động 'xây dựng gia đình 5 không 3 sạch' gắn với Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'.

Nhờ thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn làm chủ kinh tế, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Các cấp Hội đã làm tốt vai trò chủ động kết nối, phối hợp với các cơ quan liên quan trong lồng ghép, đưa vấn đề giới vào các chương trình, kế hoạch quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống tệ nạn xã hội... Thông qua các hoạt động vừa nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, vừa khai thác được các nguồn lực chung tay với Hội phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới.

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ký, ban hành Quy chế phối hợp công tác của UBND và BCH Hội LHPN tỉnh, ký kết 13 chương trình phối hợp với các ngành để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Thông qua các chương trình phối hợp, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể trong từng năm, tạo sự gắn bó, trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia hoạt động giám sát, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, linh hoạt lồng ghép để khai thác các nguồn lực thực hiện công tác bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, Hội LHPN các cấp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại các lớp tập huấn nghiệp vụ hội, triển khai thực hiện nghị quyết, các chiến dịch truyền thông, các đề án, dự án cho 1.849 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên là cán bộ chi hội, tổ hội phụ nữ; tổ chức 12 cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới; cử lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tham gia lớp tập huấn giảng viên nguồn về giới tại Hàn Quốc; phối hợp tổ chức 53 lớp tập huấn cho trên 2.000 lượt cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, cơ sở. Hội LHPN các huyện, thành, thị phối hợp với Trung tâm chính trị huyện tổ chức 98 lớp bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác phụ nữ cho 3.660 lượt cán bộ Hội cơ sở nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.

Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.

Hội luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Các hoạt động thực hiện Đề án 939 của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế: Hướng dẫn các cấp Hội triển khai xây dựng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và chỉ đạo điểm tại Đoan Hùng, Thanh Sơn, Thanh Ba. Trong năm năm đã có 69 mô hình phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ giống, kiến thức, công cụ sản xuất,… với tổng trị giá 2,5 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách cấp triển khai Đề án và nguồn vận động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Các cấp Hội phụ nữ luôn quan tâm hỗ trợ các mô hình, phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay phát triển kinh tế như: Vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 1.327 tỉ đồng cho gần 36.000 hộ vay; Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh dư nợ trên 42,5 tỉ đồng cho hơn 3.000 khách hàng vay; Quỹ TYM dư nợ trên 148 tỉ đồng cho hơn 11.000 thành viên vay phát triển kinh tế; vốn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đạt trên 1,8 tỉ đồng cho 52 hội viên, phụ nữ có dự án, ý tưởng khởi nghiệp vay. Hầu hết các hộ phụ nữ thoát nghèo trong năm đều là những hộ sử dụng các nguồn vốn vay thông qua tổ chức Hội phụ nữ.

Phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan chức năng đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Hội Nữ doanh nhân tỉnh Phú Thọ, phối hợp, chỉ đạo thành lập mới năm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, Câu lạc bộ Nữ khởi nghiệp ở các huyện. Hội Nữ doanh nhân và các câu lạc bộ nữ doanh nhân đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp, hội viên với cơ quan chức năng của Nhà nước; bảo vệ quyền lợi chính đáng, phát huy vai trò của doanh nghiệp nữ trong mọi hoạt động. Nổi bật là Hội đã phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh và Công ty Intraco, Công ty CP Quốc tế Lead Việt và Phòng khám đa khoa Y tâm - Hà Nội, Công ty Nesle, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hùng Vương... Đã hỗ trợ các doanh nghiệp với số tiền trên ba tỉ đồng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027”; chỉ đạo các cấp Hội LHPN trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ nâng cao ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền; huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực, phát huy sự tham gia của các ngành, các tổ chức trong thực hiện Đề án của Chính phủ; thành lập mới và duy trì, nâng cao hiệu quả 2.399 tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba, 695 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình, 72 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, 1.124 tổ hòa giải ở các khu dân cư, sáu mô hình Đội can thiệp phòng chống bạo lực gia đình tại khu dân cư, 1.404 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… nhằm vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

Triển khai thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội phát động, Hội LHPN các cấp đã vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, phân công hội viên phụ nữ tại địa bàn nơi trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm cuộc sống của trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm, học tập. Kết quả, các cấp Hội đã vận động đỡ đầu được 179 cháu đến năm 18 tuổi bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ học phí, sách vở, đồ dùng, phương tiện học tập, tặng sổ tiết kiệm từ 20-50 triệu đồng/cháu với tổng trị giá trên 2,9 tỉ đồng.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” gắn với Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh với Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2022; tổ chức 37 đoàn công tác của tỉnh và cấp huyện thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, hội viên phụ nữ, học sinh nghèo các xã biên giới trị giá trên hai tỉ đồng. Hội LHPN tỉnh tổng kết ba năm triển khai thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020”; tổ chức sơ kết Chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2019-2020 và ký kết giai đoạn tiếp theo nhằm vận động các doanh nghiệp, các ngành, các nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn lực đồng hành cùng Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện tại các xã biên giới tỉnh Lai Châu.

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021- 2025. Dự án triển khai tại năm huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoan Hùng. Hội LHPN tỉnh tham mưu với cấp ủy triển khai sớm nhất, có văn bản chỉ đạo đồng bộ; tổ chức họp Ban điều hành Dự án 8 cấp tỉnh, hướng dẫn cấp huyện tham mưu triển khai thực hiện trên địa bàn.

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và khai thác các nguồn lực trong thực hiện công tác bình đẳng giới, tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về giới, bình đẳng giới; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới. Chủ động lồng ghép triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới gắn với các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; các chương trình, đề án đã được phê duyệt.

Tăng cường công tác nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách luật pháp liên quan đến bình đẳng giới, công tác phụ nữ, về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe, phát huy trí tuệ, năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo luật định. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới, các văn bản luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em; tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới theo chức năng, nhiệm vụ của Hội.

Đinh Thị Thu Hương

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-binh-dang-gioi/191314.htm