Nâng cao hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh
BHG - Đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm chỉ đạo nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Dân số toàn tỉnh hiện có gần 900.000 người, trong đó lực lượng ở độ tuổi lao động chiếm trên 62%. Hàng năm, toàn tỉnh có hàng nghìn lao động được giải quyết việc làm, trong đó có nhiều lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Riêng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 36.700 lao động, trong đó đi làm việc ngoài tỉnh hơn 29.000 người.
Theo tìm hiểu được biết, cơ bản lao động đi làm việc ngoài tỉnh đều có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân từ 6 - 12 triệu đồng/tháng; cá biệt có lao động làm tại các công ty của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam có mức lương từ 16 - 25 triệu đồng/tháng. Nếu tiết kiệm, bình quân 1 lao động có thể gửi về cho gia đình mỗi tháng từ 4 triệu đồng. Việc đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm; mở rộng và phát triển thị trường lao động, nhất là thị trường trong nước; là cầu nối tích cực giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nhanh chóng làm chủ công nghệ, nâng cao tay nghề, tác phong làm việc.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, phần lớn lao động đi làm việc ngoài tỉnh là lao động phổ thông, thiếu sự chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ; ý thức kỷ luật, năng lực làm việc theo nhóm, khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp chưa cao; một bộ phận lao động là người dân tộc thiểu số giao tiếp bằng tiếng Kinh còn hạn chế, gây khó khăn trong việc trao đổi công việc...
Qua tìm hiểu được biết, một số công ty đã, đang sử dụng lao động là người Hà Giang như: Công ty May Tinh Lợi (Hải Dương), Công ty TNHH Texhong Ngân Long, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm (Quảng Ninh) và một số công ty khác đều đánh giá khá tốt về lao động Hà Giang như cần cù, chịu khó, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, hạn chế của họ là khả năng hòa nhập môi trường làm việc chưa cao; tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc còn thấp; còn hay “nhảy việc”; một số lao động hay uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe làm việc và học tập...
Theo ngành chuyên môn, với đặc thù của tỉnh, dự báo trong thời gian tới, giải quyết việc làm tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do vậy đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh vẫn là giải pháp quan trọng để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Trước thực tế này, để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ngoài tỉnh, góp phần phát triển KT - XH của địa phương, thiết nghĩ ngành chuyên môn và các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nói chung, công tác đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh nói riêng, coi đây là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững. Cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động; mở rộng thị trường gắn với kết nối cung, cầu lao động; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm...