Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em

Nhiều năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, các cấp hội chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm tuyên truyền, thực hiện công tác chính sách - luật pháp đến mọi đối tượng, trong đó, chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất các chính sách, góp phần giải quyết những vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Hằng năm, Tỉnh hội đều xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế hoặc tham gia cùng các đoàn giám sát cùng cấp.

Thực hiện theo kế hoạch của năm 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 cuộc giám sát tại 4 cơ sở về công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được quy định tại Chương III của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 trên địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên), xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), xã Song Phụng (huyện Long Phú) và xã Mỹ Bình (thị xã Ngã Năm). Qua các buổi làm việc, đoàn đã tổng hợp những hạn chế, khó khăn của đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và những đề xuất, kiến nghị nhằm giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Diện đánh giá: “Đây là đợt giám sát nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ giám sát về “Công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình”. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, quy trình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình”.

Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng quan tâm lồng ghép hướng dẫn kỹ năng, quy trình giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ hội cơ sở. Ảnh: MAI KHÔI

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2023 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã đăng ký nội dung giám sát với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2023. Đến nay, Hội LHPN tỉnh, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã chủ trì thành lập 12 đoàn giám sát và 109/109 hội LHPN cơ sở chủ trì, tham gia giám sát qua nhiều hình thức.

Đồng chí Phạm Thị Bích Ly - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Tú cho biết: “Các cấp hội của huyện rất quan tâm xây dựng công tác giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, chú trọng triển khai các luật có liên quan như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực cũng như người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực gia đình".

Để công tác giám sát và phản biện xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, hằng năm Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thực hiện lồng ghép vào các lớp tập huấn tại tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn kỹ năng, quy trình giám sát, phản biện xã hội cho các cơ sở; tổ chức hoạt động giám sát mẫu với các quy trình cụ thể. Đồng thời, cử cán bộ Hội LHPN tỉnh tham gia các đoàn giám sát do UBND, Mặt trận Tổ quốc, các ngành liên quan tổ chức; phát huy vai trò của cán bộ hội tham gia các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương. Bên cạnh đó, hội cũng phát huy được vai trò của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt, các thành viên tổ, nhóm, câu lạc bộ pháp luật, tổ phản ứng nhanh, tổ truyền thông cộng đồng… để thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, dư luận xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ để kịp thời giám sát, phản ánh, kiến nghị giải quyết, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Với những hoạt động ý nghĩa, hướng về cơ sở của các cấp hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, trong đó có công tác giám sát, phản biện xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đối với vấn đề giới. Qua đó, cùng chung tay phòng, chống bạo lực gia đình, hướng đến bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em được phát triển một cách toàn diện. Với những kết quả đã đạt được qua giám sát đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội LHPN các cấp, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-doi-voi-nhung-van-de-lien-quan-den-phu-nu-tre-em-68495.html