Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế
Chính phủ vừa triển khai Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế. Đây là chỉ thị quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất.
Là tỉnh có công nghiệp phát triển, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Đồng Nai luôn chú trọng đến công tác ngoại giao kinh tế. Hàng năm, tỉnh tiếp đón rất nhiều đoàn chính khách, doanh nghiệp (DN) FDI đến tỉnh ngoại giao và tìm hiểu về môi trường đầu tư, đồng thời cũng có các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại sang các nước.
* Xúc tiến hoạt động ngoại giao kinh tế
Đồng Nai đang tập trung các giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế để tạo ra những bước đột phá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế. Với chủ trương thu hút những dự án đầu tư mới sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề cao, năm 2022, Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao thương với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đặng Thanh Thủy cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư từ FDI của Đồng Nai đạt trên 281 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 8 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 44 triệu USD. Để đạt được những kết quả trên, Đồng Nai thường xuyên duy trì công tác ngoại giao kinh tế trong và ngoài nước. Mối quan hệ ngoại giao giữa Đồng Nai với các nước đối tác ngày càng tốt đẹp, nhiều ký kết hợp tác trên mọi lĩnh vực đã được thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua các hoạt động kết nối như: giao lưu nguồn nhân lực giữa sinh viên và các DN Nhật Bản; hội nghị giao thương DN Việt Nam - Nhật Bản; hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại Ấn Độ - Đồng Nai và tổ chức hội nghị gặp gỡ DN FDI trên địa bàn Đồng Nai… nhằm trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư và thương mại, qua đó thu hút các DN FDI đến tỉnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao góp phần kịp thời ghi nhận, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
* Tìm kiếm thị trường mới từ ngoại giao kinh tế
Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư đã xác định phương châm tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước.
Theo đó, 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và DN làm trung tâm…
Để tăng cường công tác ngoại giao kinh tế tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, Đồng Nai sẽ tiếp tục theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời và hiệu quả những thông tin về kinh tế thế giới, đánh giá tình hình kinh tế trong nước, dự báo xu hướng phát triển kinh tế của tỉnh để định hướng phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng hội nhập, bền vững. Đồng thời, tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Tỉnh chú trọng thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Trong những năm qua, Đồng Nai luôn nâng tầm quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho công tác ngoại giao kinh tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, quốc phòng - an ninh.
Ông Park Sung Jin, Trưởng Văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP.HCM cho biết: “Mối quan hệ hợp tác giữa Đồng Nai và Gyeongnam đã có hơn 20 năm. Vì thế, trong thời gian tới, 2 tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiện nay, các DN hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh hơn 7 tỷ USD. Tôi nghĩ, với quan hệ thân thiết giữa hai bên, tới đây sẽ có nhiều DN Hàn Quốc đến Đồng Nai đầu tư”.
Hiện nay, Đồng Nai đã gần hết đất công nghiệp cho DN thuê nên tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án Khu công nghiệp Tân Hiệp - Bàu Cạn, Long Đức 2 (H.Long Thành), Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Nếu 3 khu công nghiệp trên sớm hoàn thành sẽ thu hút được nhiều DN FDI đầu tư vào tỉnh.