Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

Sau hơn 30 năm lập lại tỉnh, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh cộng với sự phát triển về quy mô, sự đa dạng về loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất đã tạo cho tỉnh Quảng Trị một diện mạo mới, phát triển về mọi mặt. Song song với sự phát triển đó là nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn luôn tiềm ẩn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), đòi hỏi trách nhiệm tham gia của toàn dân.

* Đại tá LÊ VĂN TIỀN, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Toàn tỉnh có tổng số 5.034 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó 495 cơ sở nguy hiểm cháy nổ. Trong những năm qua lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh luôn nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia vào công tác PCCC và CNCH. Đặc biệt từ khi Luật PCCC ra đời, có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, tại Điều 11 quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC ngày càng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ việc xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC, người đứng đầu chính quyền, cơ sở và từng người dân đã nhận thấy được trách nhiệm, vai trò của mình đối với công tác này. Đó chính là nét chuyển biến tích cực nhất trong phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, qua đó ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của mỗi người dân từng bước được nâng lên. Lực lượng PCCC tại chỗ (lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành) ngày càng được quan tâm củng cố và xây dựng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 840 đội dân phòng với tổng số 8.555 đội viên, 1.681 đội PCCC cơ sở với trên 5.000 đội viên, 2 đội PCCC chuyên ngành của quân đội. Một số địa phương đã kịp thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và duy trì có hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng. Những năm qua, lực lượng PCCC tại chỗ đã hoạt động rất hiệu quả, phát hiện và loại trừ được nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC, tổ chức cứu chữa giai đoạn đầu và giảm thiểu những thiệt hại do cháy gây ra trong khả năng cho phép.

Là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH, năm 1976, Đội Cảnh sát PCCC được thành lập, trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC, Ty Công an Bình Trị Thiên. Ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh Quảng Trị được lập lại, trong đó có Phòng Cảnh sát PCCC, nay là Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã khắc phục khó khăn, từng bước lớn mạnh về mọi mặt. Đơn vị đã kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác PCCC làm cơ sở pháp lý quan trọng để Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC và CNCH. Bám sát địa bàn, làm tốt công tác điều tra cơ bản, tích cực tham mưu, hướng dẫn giúp chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn về PCCC, xây dựng củng cố lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở. Cùng với công tác phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp cứu chữa nhiều vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn trong những điều kiện hết sức khó khăn, nguy hiểm, bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân.

 Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ Đông Hà - Ảnh: T.T

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ Đông Hà - Ảnh: T.T

Để phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác PCCC, đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC và CNCH. Duy trì và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến như “Doanh nghiệp an toàn PCCC và CNCH”, “Chợ an toàn PCCC và CNCH”, “Câu lạc bộ doanh nghiệp an toàn về PCCC và CNCH”. Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10 hằng năm. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, phát động tháng cao điểm về PCCC, tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề định kỳ hằng năm hoặc vào các dịp lễ, tết...

Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị cơ sở và cơ quan, tổ chức khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng, sử dụng của các đơn vị có hoạt động về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), công tác quản lý, cấp phép vận chuyển VLNCN được bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị ngày càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về an toàn PCCC. 20 năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với lực lượng PCCC tại chỗ xử lý trên 950 vụ cháy, trong đó 50% số vụ cháy được lực lượng tại chỗ kịp xử lý khi đám cháy vừa phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, tài sản cứu được ước tính hàng trăm tỉ đồng.

Sau 20 năm thực hiện Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10 (2001 - 2021), phong trào toàn dân PCCC đã có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, lĩnh vực. Thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng ngày càng được tăng cường, trở thành chỗ dựa tin cậy, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, là chỗ dựa vững chắc giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là thành tựu to lớn, nền tảng để xây dựng thế trận toàn dân PCCC, góp phần xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=161278&title=nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chay-chua-chay