Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng
Thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công chứng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Luật Công chứng năm 2014, thời gian qua, các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) và đội ngũ công chứng viên (CCV) trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỉnh đã hoàn thành việc xã hội hóa 4 phòng công chứng thành văn phòng công chứng (VPCC) từ năm 2018.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 37 VPCC với 76 CCV đang hoạt động hành nghề. Các TCHNCC đã giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu công chứng, chứng thực của người dân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch và đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước của địa phương.
Hội CCV tỉnh Long An được thành lập theo Quyết định số 3638/QĐ-UBND, ngày 06/10/2015 của UBND tỉnh. Với mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của mình, thời gian qua, Hội CCV tỉnh góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CCV hành nghề trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về công chứng ở địa phương. Hàng năm, Hội CCV tỉnh có kế hoạch phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức hành nghề công chứng cho đội ngũ CCV trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tích cực, chủ động xây dựng, ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan, cụ thể: Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trước, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật;...
Quy chế phối hợp với Công an tỉnh trong phòng, chống vi phạm pháp luật lĩnh vực công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh giữa Sở Tư pháp và Hội CCV. Qua triển khai, thực hiện các quy chế phối hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện quy định của Luật Công chứng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh, chính thức đi vào vận hành kể từ ngày 01/01/2015. Từ khi đi vào hoạt động, phần mềm quản lý hồ sơ công chứng đã phục vụ tích cực cho hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; đồng thời, giúp Sở Tư pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung.
Theo quy định pháp luật, người dân được lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch tại các TCHNCC hoặc chứng thực tại UBND cấp huyện, cấp xã. Trong khi đó, phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng chỉ được ứng dụng tại các TCHNCC nên vẫn có khả năng rủi ro khi thực hiện công chứng, chứng thực. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai, thực hiện Đề án phần mềm Quản lý hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh, liên thông kết nối với phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng.
Ngày 15/6/2018, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập VPCC trên địa bàn tỉnh Long An thay thế các quyết định trước đây. Qua triển khai, thực hiện các quyết định trên đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tính ổn định bền vững của việc phát triển TCHNCC, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của các tổ chức, công dân.
Công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động công chứng luôn được Sở Tư pháp tăng cường theo hướng chú trọng về nội dung, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan. Qua công tác thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Các TCHNCC tập trung nhiều tại TP.Tân An và các địa phương có tốc độ phát triển mạnh về kinh tế; đa số các TCHNCC quy mô nhỏ; một số ít CCV vẫn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội CCV chưa rõ nét;...
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 172/NQ-CP, ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó tập trung các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động công chứng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, thường xuyên tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề cho đội ngũ CCV;...
Bảo đảm tính ổn định, bền vững của việc phát triển TCHNCC; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động công chứng; phát huy vai trò tự quản của Hội CCV, trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan trong phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh./.