Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính
Công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính luôn được Hà Nội quan tâm, chỉ đạo và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Những kết quả đạt được
Được biết, năm 2022, Hà Nội đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng năm 2022 tại UBND các quận, huyện, thị xã: Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện việc đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra theo quy định tại Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, UBND TP ban hành kế hoạch kiểm tra thi hành pháp luật lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP năm 2023 và dự kiến thực hiện việc kiểm tra vào quý 1 và quý II/2023.
Ngoài ra, để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật, UBND TP chỉ đạo Sở Tư pháp và các Sở, ngành thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có tính chất phức tạp thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện.
Trong năm 2022, UBND TP giao Sở Tư pháp tổ chức chức tập huấn kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính cho hơn 1.000 cán bộ, công chức là chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cán bộ, công chức được phân công thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn TP.
Đặc biệt, sau khi có kết luận kiểm tra của TP về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng, UBND TP đã giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng tổ chức tập huấn nghiệp vụ Xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý đô thị & trật tự xây dựng cho các đối tượng là người có thẩm quyền xử phạt, cán bộ công chức tham mưu thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính tại các Sở Xây dựng, Văn hóa thể thao, Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc và cán bộ công chức thuộc Đội Quản lý TTXD Đô thị, Phòng Quản lý đô thị tại UBND các quận, huyện, thị xã;
Đồng thời, tổ chức biên soạn, xây dựng tài liệu nghiệp vụ hỏi đáp áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ kế hoạch của UBND TP, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về xử lý vi phạm hành chính theo phạm vi địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Về tình hình triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC: UBND TP đã ban hành văn bản số 659/UBND-NC ngày 08/3/2022 triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 và Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ (hiệu lực từ 01/01/2022). Trên cơ sở văn bản của TP, các đơn vị đã triển khai, thực hiện theo địa bàn và lĩnh vực quản lý.
Sở Tư pháp và các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức các hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 và Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 (Đan Phương, Hoài Đức, Tây hồ, Thanh Xuân...) và Tổ chức Hội nghị “Tọa đàm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/1/2022, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ.
Việc nhiều nghị định về xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành được sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới cùng một lúc nhằm phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 01/1/2022) cũng gây khó khăn ít nhiều cho cơ sở trong việc cập nhật và áp dụng kịp thời các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính.
Quá trình triển khai các hoạt động về theo dõi tình hình thi hành pháp luật mặc dù đã được triển khai nhưng việc đánh giá hiệu quả, nhất là việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ quy định của Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật không quy định cụ thể biện pháp và chế tài đối với cơ quan có trách nhiệm phải xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật;
Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, bồi thường nhà nước ở cấp cơ sở (cấp huyện) chủ yếu kiêm nhiệm, nên trong việc triển khai nhiệm vụ công việc còn khó khăn.