Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính
(ABO) Chiều 29-11, Đoàn giám sát Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang đến làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc thi hành pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương...
Thời gian qua, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra chủ yếu trên các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự; tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, xây dựng,…
Từ ngày 1-1-2022 đến 30-6-2023, tổng số vụ VPHC trên địa bàn tỉnh là 69.627 vụ. Tổng số quyết định xử phạt VPHC là 72.906 quyết định; trong đó có 312 quyết định thuộc thẩm quyền xử phạt VPHC của UBND tỉnh... Nhìn chung, công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện cơ bản nghiêm túc. Các sở, ngành, địa phương luôn chủ động, quan tâm công tác quản lý, thi hành pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Các trường hợp VPHC trên các lĩnh vực được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc lập hồ sơ, thực hiện quy trình, thủ tục xử lý VPHC đều đảm bảo căn cứ pháp lý, đúng quy định; cụ thể như việc lập biên bản VPHC, tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, xác minh tình tiết của vụ việc VPHC, giải trình, ban hành quyết định xử phạt, áp dụng biểu mẫu và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, việc xử phạt VPHC đúng thẩm quyền, hình thức, mức xử phạt đúng tính chất, mức độ của hành vi VPHC, phù hợp với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã quan tâm, ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020); các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cụ thể.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý xử lý VPHC được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các phong trào, chương trình “Pháp luật đời sống”; chuyên mục “An ninh trật tự” gắn với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 73 ngày 3-3-2023 tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệm vụ xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Tại buổi làm việc, bên cạnh việc ghi nhận một số ý kiến, kiến nghị của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Đoàn giám sát tiến hành trao đổi, thảo luận một số vướng mắc, khó khăn chung của các sở, ban, ngành về xử lý VPHC trong thời gian qua xoay quanh các vấn đề lập biên bản xử phạt, chuyển giao văn bản trong 24h về các trình tự, thủ tục xử lý VPHC; cơ sở dữ liệu chưa có quy định hướng dẫn cụ thể đối với một số trường hợp đặc biệt... Qua đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong phòng ngừa VPHC; tăng cường hiệu quả quy định về xử phạt VPHC; các biện pháp khắc phục hậu quả...
Đối với công tác xử lý VPHC trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ghi nhận những kết quả mà UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã đạt được thời gian qua. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, UBND các cấp rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Đặc biệt là nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước ở địa phương khi phát hiện các vụ việc cần ngăn chặn ngay từ đầu, đó là nhiệm vụ trọng tâm và cần được phát huy trong thời gian tới. Qua đó, cần quan tâm chỉ đạo, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao…