Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ nên hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã được tăng cường, đi vào nền nếp; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản có hiệu quả. Nhờ vậy, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản giảm so với trước, góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước trong hoạt động khoáng sản.

 Nhiều doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Ảnh: KKS

Nhiều doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Ảnh: KKS

Huyện Đakrông hiện có 4 điểm khai thác cát sỏi đã được cấp phép, gồm: Công ty TNHH Nguyên Đức Hà hiện đang khai thác tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên; Công ty TNHH MTV Phúc Lan khai thác tại địa phận thuộc thôn Ba Rầu, xã Mò Ó; Công ty TNHH Xây dựng số 9 khai thác tại thôn A Vương, A Liêng, xã Tà Rụt và HTX Khai thác và Sản xuất vật liệu xây dựng Đakrông khai thác tại khu vực sông thuộc thị trấn Krông Klang. Tổng diện tích được cấp phép hơn 14,3 ha; trữ lượng khai thác khoảng hơn 400.000 m3 , trong đó Công ty TNHH Xây dựng số 9 có diện tích khai thác được cấp phép lớn nhất với 6,48 ha và tổng trữ lượng khai thác hơn 177.800 m3 . Việc cấp phép nói trên cho thấy phân định rõ ranh giới khai thác nên hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở đất và những hệ lụy khác.

Bí thư Đảng ủy xã Mò Ó Phan Văn Lực cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có Công ty TNHH MTV Phúc Lan được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng. Trong quá trình khai thác, cấp ủy, chính quyền thường xuyên giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của công ty đảm bảo theo phương án khai thác được cấp phép. Ngoài ra, UBND huyện và các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với xã kiểm tra hoạt động khai thác của đơn vị này. Qua kiểm tra, công ty hoạt động đúng vị trí cấp phép, đảm bảo môi trường, môi sinh, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 7 giấy phép khai thác ti tan, cát trắng và vàng trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Đakrông cho 6 doanh nghiệp; UBND tỉnh cấp 22 giấy phép khai thác đá, cát sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường, sét làm gạch ngói và ti tan. Ngoài ra, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã đang quản lý hàng chục điểm khai thác đất làm vật liệu san lấp. Đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã hoàn thành khoanh vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản thuộc phạm vi quản lý đến năm 2020, có tính đến năm 2030; thực hiện khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; đã thu 61 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giấy phép UBND tỉnh cấp 29,2 tỉ đồng; giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 31,8 tỉ đồng).

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước, thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, các khu vực cấp phép đều nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, khai thác trong diện tích được thuê. Nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đã gắn liền với chế biến sâu và làm tốt công tác bảo vệ môi trường; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản, đồng thời có những đóng góp nhất định trong giải quyết việc làm, lao động ở các địa phương...

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị Nguyễn Hữu Cư cho biết: “Quá trình khai thác, chế biến cũng như hoàn thổ sau khai thác khoáng sản công ty chúng tôi luôn thực hiện chu đáo về vấn đề môi trường, theo đúng cam kết với UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, công ty đã di chuyển nhà máy lên khu vực bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, đảm bảo quy trình chế biến sâu, nhà máy công nghiệp. Từ vị trí khai thác mỏ vận chuyển nguyên liệu lên nhà máy, chúng tôi bố trí phương tiện xe chuyên dùng tưới nước để đảm bảo môi sinh, môi trường”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Sự hiểu biết về khoáng sản trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản cấp cơ sở có nơi chưa tốt. Một số đơn vị hoạt động khoáng sản chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật như khai thác ngoài diện tích cấp phép, chưa chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn lao động, môi trường; tổ chức giám sát môi trường chưa đúng tần suất theo quy định; chưa tiến hành đăng ký nguồn thải chất thải nguy hại. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn còn xảy ra.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thời gian tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xử lý nghiêm các hành vi bảo kê, tiếp tay, bao che, dung túng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép theo quy định. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, không tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản thông qua camera, thiết bị giám sát hành trình. Phối hợp với Cục thuế tỉnh quản lý nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quá trình khai thác khoáng sản; tuân thủ quy trình trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, cắm mốc giới khu vực được cấp phép; chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy; các phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản phải được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định. Tăng cường quản lý, bảo vệ khu vực mỏ đã được cấp phép, không được khai thác ngoài diện tích cấp phép. Vận động các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng của nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146703