Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
Công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, giải quyết các yêu cầu về hộ tịch, chứng thực của người dân cơ bản đã đáp ứng theo quy định pháp luật.
Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (với hơn 11.000 xã, phường và trên 700 quận, huyện toàn quốc). Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (là 01 trong 02 đơn vị Cục thuộc Bộ) được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực theo quy định tại Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp và Quyết định số 3276/QĐ-BTP ngày 08/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, trong 05 năm qua (2015 - 2019), Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã tổ chức 23 Đoàn thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tại 131 cơ quan/đơn vị cấp tỉnh/huyện/xã thuộc 23 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, các Đoàn thanh tra đã phát hiện 9.018 hồ sơ sơ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có sai sót/vi phạm (trong đó lĩnh vực hộ tịch: 1.783 hồ sơ; lĩnh vực quốc tịch: 19 hồ sơ; lĩnh vực chứng thực: 7.216 hồ sơ). Ông Khanh cho biết, Cục đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ 118 hồ sơ đăng ký hộ tịch trái pháp luật. Cùng với đó, Cục đã đồng thời tổ chức 07 đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại 08 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra chuyên ngành tại các địa phương cho thấy sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền. Nhiều địa phương đã đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên...
Với mong muốn đó, từ kết quả 05 năm thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, ông Khanh đề nghị các địa phương quan tâm một số nội dung. Cụ thể là, đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo các lĩnh vực hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực); đề nghị các Sở Tư pháp quan tâm hơn nữa về công tác thanh tra chuyên ngành, đề cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của Thanh tra Sở trong hoạt động thanh tra chuyên ngành; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, chứng thực tại địa phương...
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, nhiều ý kiến, đóng góp đến từ các bộ, ngành địa phương cũng đã được ghi nhận để tổ chức, thực hiện công tác thành tra chuyên ngành ngày một tốt hơn. Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp Bến Tre Võ Minh Thưởng đề nghị Bộ Tư pháp quy định cụ thể một số giấy tờ làm căn cứ để thực hiện những thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch như thay đổi họ, tên và ngày tháng năm sinh; đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, người nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian lưu trú tại Việt Nam…
Đại diện UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp đã được cấp thẻ thường trú/những trường hợp không có giấy tờ tùy thân nhưng chưa được cấp thẻ thường trú; hướng dẫn về việc tiếp nhận trẻ em là người không quốc tịch được tham gia học tập tại các trường học như công dân Việt Nam; hướng dẫn việc quản lý số người di cư tự do đang sinh sống tại các xã biên giới nhưng họ không đủ điều kiện cấp thẻ thường trú...