Nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, bảo đảm sức sống của pháp luật

Sáng 17-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/LS

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/LS

Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương những kết quả toàn ngành Tư pháp đạt được trong năm 2024. Nhằm tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2025, Bộ Tư pháp và toàn ngành Tư pháp nghiêm túc quán triệt kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, bảo đảm sức sống của pháp luật; tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết. Riêng Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết. Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định 33 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 176 dự án, dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, ngành thẩm định 692 dự thảo; các địa phương thẩm định 365 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 8.058 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2024, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 212 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 49 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 163 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Trong năm, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục được duy trì trong nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Các mặt công tác khác tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hiệu quả phối hợp công tác trong một số lĩnh vực chưa cao, nhất là phối hợp nội bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; nội dung hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao của một số đơn vị thuộc Bộ còn chậm, chưa thỏa đáng; việc chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ vẫn còn chậm...

Đối với Thái Nguyên, ngành Tư pháp tỉnh chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản, góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, quan tâm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới nội dung, phương thức để phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tu-phap-bao-dam-suc-song-cua-phap-luat-772122e/