Nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay, giáo dục lý luận chính trị chủ yếu vẫn diễn ra dưới hình thức các hội nghị tập huấn, quán triệt nghị quyết theo hướng một chiều, ít có tương tác.
Chiều 9/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Giao ban Công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở năm 2023.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Thông tin về công tác giáo lục lý luận chính trị ở cơ sở năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Văn Báu cho biết gần 2 năm qua, bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục lý luận chính trị nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, Ban Tuyên giáo các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan liên quan, các trung tâm chính trị cấp huyện đã triển khai và hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều điểm mới, nổi bật.
Công tác giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được các cấp ủy quan tâm, triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Trung tâm chính trị cấp huyện chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở theo đúng hướng dẫn và chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy địa phương.
Đội ngũ giảng viên trung tâm không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Chế độ, chính sách liên quan đến học viên, giảng viên và báo cáo viên được thực hiện kịp thời; chất lượng giảng dạy tiếp tục được bảo đảm và nâng cao.
Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, bảo đảm hoạt động quản lý, đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị cấp huyện hiệu lực, hiệu quả.
Công tác giáo dục lịch sử Đảng được các cấp ủy chú trọng, đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử đảng bộ ngành.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trên, theo ông Đoàn Văn Báu, công tác giáo dục lý luận chính trị còn một số hạn chế, tồn tại như chất lượng đào tạo nhiều nơi không đảm bảo; việc cấp, ký giấy chứng nhận, văn bằng đào tạo chưa đúng với quy định; việc chiêu sinh, mở lớp các lớp đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn; số lượng đăng ký tham gia học tập của các đảng ủy xã, thị trấn còn hạn chế, nhất là Chương trình Sơ cấp Lý luận Chính trị…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị là một lĩnh vực khó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình chia sẻ với thực tiễn mà các đại biểu và báo cáo nêu ra tại hội nghị.
Các tham luận, ý kiến đã phản ánh sinh động thực tiễn công tác giáo dục lý luận chính trị đang diễn ra ở cơ sở, trong đó có những đổi mới sáng tạo song vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh một số thách thức trong đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý luận chính trị trong cuộc đua với các đầu vào thông tin khác mà cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân có được.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay, giáo dục lý luận chính trị chủ yếu vẫn diễn ra dưới hình thức các hội nghị tập huấn, quán triệt nghị quyết theo hướng một chiều, ít có tương tác, hiệu quả thu nhận kiến thức từ người nghe thấp. Trong khi đó, thông tin được tiếp nhận qua các kênh thông tin khác như mạng xã hội lại rất nhanh nhưng lại chưa được quan tâm chú trọng sử dụng để phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị.
Ông Lê Hải Bình lưu ý hiện nay, công tác tuyên giáo đang đối mặt với những diễn biến tư tưởng trong quần chúng nhân dân do tác động của các biến động nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Cùng với đó là sự bùng nổ của các loại hình đầu vào thông tin mới.
Do vậy, công tác tuyên giáo nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị, nhất là ở cơ sở nói riêng cần phải cập nhật kịp thời những xu hướng biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nắm bắt diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân, góp phần tạo sự ổn định về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác giáo dục lý luận chính trị cũng phải đổi mới, thích ứng linh hoạt trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới mà công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đặt ra. Công tác này cần có sự cập nhật kịp thời những quy định, kết luận mới của Đảng, nhất là trong xây dựng Đảng./.