Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường
Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong tỉnh có những diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, tuyến trọng điểm, với các hành vi phổ biến như: xả thải gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên, khoáng sản (cát, đất) trái phép.
Lực lượng công an kiểm tra việc chấp hành đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản.
Trong khi đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và đủ sức răn đe, nên dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sự sơ hở này để hoạt động... Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Riêng lực lượng cảnh sát môi trường và công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm như: Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và trong nông nghiệp; trong xử lý chất thải...
Trong năm 2022 và tháng 1-2023, qua công tác kiểm tra, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính gần 100 vụ vi phạm trên lĩnh vực khai thác, mua bán khoáng sản, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Điển hình vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 12-6-2022 qua công tác nắm tình hình, tổ công tác của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 5 tàu đang có hoạt động khai thác cát trái phép ngoài khu vực mỏ cát 41 tại thị trấn Quý Lộc (Yên Định). Tiến hành điều tra, ngày 13-6-2022 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” để điều tra theo quy định. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an tỉnh đã báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ngày 29-6-2022, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã xác lập Chuyên án truy xét số 119R để tập trung điều tra, làm rõ. Kết quả điều tra ban đầu xác định, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 1 đến ngày 12-6-2022, Lê Thị Thoan ở thị trấn Quý Lộc và Trịnh Xuân Thành ở xã Yên Trường (Yên Định) đã chỉ đạo, điều hành hoạt động khai thác cát trái phép với số lượng rất lớn. Cụ thể, số lượng cát khai thác trái phép lên đến 290.000m3, vượt gấp 3 lần tổng trữ lượng mỏ cát số 41 được phép khai thác trong 10 năm 10 tháng, vượt gấp 30 lần công suất mỏ 41 được phép khai thác trong năm 2022, thu lời bất chính số tiền lớn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong việc quản lý thu thuế tài nguyên.
Gần đây nhất, ngày 21-12-2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc, lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Xuân Phượng, sinh năm 1958, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hải, địa chỉ thôn Quan Tương, xã Hà Tân (Hà Trung) về tội “Vi phạm về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trong quá trình kinh doanh, khai thác mỏ, Nguyễn Xuân Phượng đã chỉ đạo Nguyễn Minh Hải (là con trai Phượng) chỉ huy nổ mìn cùng với công nhân khai thác đá vôi tại khu mỏ mở rộng chưa được cấp phép nổ mìn khai thác đá trái phép với tổng khối lượng 480.617,9m3, trị giá khoáng sản theo quy định giá tính thuế sau nổ mìn, đá xô bồ là hơn 33,6 tỷ đồng...
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trên một số lĩnh vực như: an toàn vệ sinh thực phẩm; khai thác, vận chuyển chế biến khoáng sản; xả thải và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác nắm tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường... Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.