Nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai; quy định cấp độ rủi ro thiên tai hiện đang được thực hiện theo các quy định hiện hành, bao gồm: Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai (Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Việc thực hiện các quy định hiện hành nói trên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh một số tồn tại, vướng mắc về quy định cấp độ rủi ro thiên tai, cụ thể:
Tại khoản 2 Điều 18 Luật Phòng, chống thiên tai quy định cấp độ rủi ro thiên tai được xác định dựa trên các tiêu chí: a) Cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai; b) Phạm vi ảnh hưởng; c) Khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường..., tuy nhiên tiêu chí thứ 3 phụ thuộc vào khả năng ứng phó tùy từng khu vực, từng địa phương, do sự phát triển của kinh tế xã hội nên yếu tố này luôn luôn biến động vì vậy quy định cấp độ rủi thiên tai tại một số nơi đã không còn sát với thực tế.
Quy định cấp độ rủi ro thiên tai của một số loại thiên tai chưa được chi tiết cho các khu vực, ảnh hưởng đến việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai, khó vận dụng trong quá trình thực hiện và khó khăn trong phân công, phân cấp trách nhiệm chỉ đạo, ứng phó.
Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định áp dụng chung cho cả nước. Đối với một số loại hình thiên tai cần được chi tiết hóa theo đặc trưng của từng vùng, từng địa phương.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã bổ sung một số loại hình thiên tai mới là: gió mạnh, sóng lớn trên biển; sương mù; sụt lún đất do hạn hán; cháy rừng do tự nhiên vì vậy cần bổ sung quy định về công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin và quy định chi tiết về cấp độ rủi ro của các loại thiên tai này.
Nhằm thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đồng thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc nói trên, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 quy định dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai trên cơ sở những quy định hiện hành và bổ sung, quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai cho các khu vực là cần thiết.
Bổ sung dự báo, cảnh báo gió mạnh, sống lớn trên biển, sương mù, cháy rừng do tự nhiên
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương II của dự thảo- Dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai được bố cục thành 7 mục với các nhóm thiên tai: áp thấp nhiệt đới, bão, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão; mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng, hạn hán, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán và xâm nhập mặn; gió mạnh, sóng lớn trên biển và sương mù; động đất, cảnh báo sóng thần; cháy rừng do tự nhiên; và các loại thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn khác.
Đối với mỗi mục được sắp xếp theo các nội dung: Điều kiện ban hành bản tin; nội dung bản tin; quy định cấp độ rủi ro thiên tai; tần suất, thời gian ban hành bản tin.
Đặc biệt, dự thảo đã đề xuất bổ sung quy định về điều kiện ban hành, nội dung, tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển; sương mù; cháy rừng do tự nhiên, đây là các loại thiên tai đã được quy định bổ sung tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, những loại thiên tai này được ban hành thành bản tin riêng. Những loại hình thiên tai khác được giữ nguyên theo các quy định tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg.
Cụ thể, điều kiện ban hành bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển được đề xuất như sau: Tin cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển được ban hành khi phát hiện gió mạnh, sóng lớn trên biển có khả năng xảy ra trước 48 giờ; tin dự báo gió mạnh, sóng lớn trên biển được ban hành khi phát hiện gió mạnh, sóng lớn trên biển có khả năng xảy ra trước 24 giờ…
Tin cảnh báo sương mù trên đất liền và trên biển được ban hành khi phát hiện sương mù có khả năng xảy ra trước 48 giờ; tin dự báo sương mù trên đất liền và trên biển được ban hành khi phát hiện sương mù có khả năng xảy ra trước 24 giờ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.