Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội có tác động quan trọng, không chỉ liên quan đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước, mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Hoàn thiện thể chế cho tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, năm 2023, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, khuôn khổ nhằm tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát tiếp tục được quan tâm, theo đúng tinh thần từ đầu nhiệm kỳ đã xác định đây là một nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Công tác giám sát liên quan trực tiếp đến cả vấn đề xây dựng về pháp luật và các quyết định quan trọng quốc gia của Quốc hội. Do đó, làm tốt công tác giám sát cũng sẽ tạo điều kiện để làm tốt chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 96/2023/QH15 để cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị quyết này. Cùng với đó, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH đã phối hợp với Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND để phục vụ trong chính nhiệm kỳ này...

Đổi mới trong phương thức, hoạt động giám sát của Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong năm 2023, hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội đã được tăng cường. Theo đó, đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp và tại phiên họp của UBTVQH được tổ chức đều đặn và hiệu quả. Trong năm 2023, đã có 911 lượt ĐBQH đăng ký chất vấn, 264 lượt đại biểu chất vấn, 84 lượt đại biểu tranh luận tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5. Tại phiên họp thứ 21 và phiên họp thứ 25 của UBTVQH đã có 103 lượt đại biểu chất vấn và 18 lần đại biểu tranh luận rất sôi nổi và thực chất...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hôịnăm 2024 (sáng 17/11/2023).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hôịnăm 2024 (sáng 17/11/2023).

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của UBTVQH. Mỗi năm có 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của UBTVQH đã được triển khai một cách nghiêm túc. Hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng được tăng cường. Trong khi đó, hoạt động tái giám sát - giám sát những vấn đề sau giám sát, sau chất vấn được quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc yêu cầu các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề UBTVQH còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của ĐBQH mà còn của đông đảo cử tri và Nhân dân. “Đầu Kỳ họp thứ 6 đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một cách đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả về lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai theo quy định, được ĐBQH, dư luận, Nhân dân đồng tình và đánh giá cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Trong năm 2023, UBTVQH tiếp tục đôn đốc để giám sát đối với hơn 1.000 vụ việc phức tạp, kéo dài được các cơ quan hành chính nhà nước các cấp lập danh sách để rà soát; 5.358 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 và 1.009 kiến nghị khác đã được Chính phủ, bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết... Đặc biệt, lần đầu tiên có báo cáo, trình bày kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận và đánh giá cao...

Lan tỏa làn sóng mới, khí thế mới từ các cơ quan dân cử địa phương

Đoàn ĐBQH, các ĐBQH trong phạm vi quyền hạn của mình đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và UBTVQH. Đồng thời, đề xuất nhiều vấn đề nóng bức xúc về kinh tế - xã hội giúp cho Quốc hội, UBTVQH có thêm cơ sở lựa chọn những vấn đề đúng và trúng tại các tại các kỳ họp, phiên họp. Trong phạm vi của từng địa phương, các Đoàn ĐBQH đã lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường giám sát thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Tích cực phối hợp với HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh thành phố để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng chức năng...

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội

Trong năm 2024, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm trong triển khai chương trình giám sát, cụ thể: Cần tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Việc thẩm tra các báo cáo tại các kỳ họp phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, không chờ đến khi có báo cáo mới thẩm tra mà trên cơ sở tận dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH cùng các nguồn thông tin, tài liệu khác; Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương...

* Lược trích bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 (ngày 17/11/2023).

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-giam-sat-cua-quoc-hoi-bao-dam-quyen-luc-nha-nuoc-thuoc-ve-nhan-dan.html