Nâng cao hiệu quả giám sát việc chấp hành pháp luật lao động
Nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng giám sát việc chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp, góp phần duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca của người lao động; chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, công đoàn ngành và tương đương xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị thông qua cấp ủy phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Qua giám sát cho thấy, các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có sự chủ động trong việc thực hiện các nội dung về quy chế dân chủ; nâng cao hiệu quả hoạt động, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy chế, quy định cho phù hợp với tình hình kinh doanh và quy định của Nhà nước. Ban Giám đốc các doanh nghiệp đã có sự quan tâm thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị thông qua việc phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, hội nghị người lao động.
Qua các buổi đối thoại, hội nghị, người sử dụng lao động thông tin công khai việc thực hiện chế độ chính sách, thông tin về tình hình, kế hoạch sản xuất kinh doanh; việc trích, lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi; việc trích nộp kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người lao động tham gia góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất về quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế dân chủ, chưa chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; chưa hiểu rõ quy trình đăng ký thỏa ước lao động tập thể với cơ quan quản lý Nhà nước. Một số doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động còn nặng về hình thức, nội dung các bước thực hiện chưa đầy đủ theo hướng dẫn, chưa phát huy tối đa ý kiến tham gia góp ý của người lao động. Nội dung quy chế dân chủ còn rập khuôn, chưa cụ thể hóa vào tình hình hoạt động kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đôi lúc chưa chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đến các cấp công đoàn trong tỉnh; mở các lớp tập huấn về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho cán bộ công đoàn; phối hợp cơ quan chức năng tổ chức giám sát tại các doanh nghiệp.
LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp kiểm tra việc thực thi Bộ luật Lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp.
Các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Năm 2023, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức giám sát 26/13 cuộc, đạt 200% chỉ tiêu Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao. Riêng LĐLĐ tỉnh tổ chức giám sát về triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp tại 2 đơn vị (UBND huyện Gò Dầu và Bến Cầu), khảo sát 6 doanh nghiệp về triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ.