Nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Bởi thế, hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập (T.P Thái Nguyên)

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập (T.P Thái Nguyên)

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 6.000 DNNVV, chiếm hơn 96% tổng số DN. Đa phần DNNVV thường không có bộ phận pháp chế nên quá trình tiếp cận các quy định của pháp luật phục vụ cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh gặp phải nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các DN trong tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, hằng năm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện các hình thức hỗ trợ.

Theo ông Đàm Ngọc Huân, Phó trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp): Trung bình mỗi năm, Sở phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức trên 10 hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho trên 2.000 lượt cán bộ, nhân viên, lãnh đạo các DN trong các khu công nghiệp. Nội dung tập huấn chủ yếu là các quy định pháp luật về tranh chấp lao động, các quy định về thuế, đất đai, đấu thầu, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động...

Việc tổ chức hội nghị tập huấn nói trên được các DN đánh giá là cần thiết, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho DN, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự cao. Anh Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy) cho rằng: Các nội dung tập huấn cho DN vẫn còn mang tính chủ quan từ phía cơ quan Nhà nước mà chưa rà soát nhu cầu thực tế từ phía DN. Vì thế, nhiều nội dung chúng tôi cần cung cấp như các thông tin về pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế... thì chưa được đề cập tới. Chưa kể, các hình thức tập huấn còn ít được đổi mới, chưa thu hút sự tham gia của các học viên.

Còn theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH JuKwang Precisione Vina: Nội dung phổ biến kiến thức pháp luật cho DN của Nhà nước chưa phân ra từng lĩnh vực và chưa đi sâu vào các vấn đề pháp lý cụ thể của DN. Do đó, trên thực tế khi phải giải quyết một sự việc cụ thể, nhất là những vấn đề phức tạp như xin cấp phép đầu tư dự án; đánh giá tác động môi trường… thì chúng tôi vẫn phải thuê đơn vị tư vấn pháp lý khác hỗ trợ thực hiện.

Được biết ngoài tổ chức hội nghị tập huấn pháp luật, thời gian qua, Sở Tư pháp còn tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh tích hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm phục vụ cho các tổ chức, cá nhân, DN tra cứu, áp dụng; xây dựng các bản tin pháp luật; tiến hành giải đáp pháp luật bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại. Tuy nhiên, còn ít DN tiếp cận các hình thức hỗ trợ này. Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DNNVV giải thích: Có nhiều nguyên nhân, trước hết là do nhiều DN, đặc biệt là DNNVV ít dành sự quan tâm đến kiến thức pháp luật hoặc chưa biết đến các hình thức hỗ trợ trên. Song cũng có những DN đã từng gửi thông tin nhờ tư vấn, hỗ trợ song lại không nhận được phản hồi hoặc trả lời còn chung chung...

Xuất phát từ những hạn chế nêu trên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, bà Vũ Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hiện tại, Sở đã xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tỉnh giai đoạn 2021-2025 để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện các nội dung như khảo sát thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN để xây dựng các nội dung hỗ trợ trúng và đúng với nhu cầu của DN; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, tuyên truyền kiến thức hỗ trợ pháp lý cho DN như tham khảo, nghiên cứu thực hiện các mô hình “Bác sĩ DN”, “Cà phê DN ”…; tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN; tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ DN; xây dựng, củng cố nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác pháp lý bao gồm đội ngũ công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý chuyên trách của Sở Tư pháp; đội ngũ cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành; đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh nhằm hỗ trợ pháp lý cho DN theo lĩnh vực quản lý Nhà nước, đảm bảo công tác hỗ trợ pháp lý được thực hiện thường xuyên, liên tục; hiệu quả…

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/phap-luat/nang-cao-hieu-qua-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-275661-101.html