Nâng cao hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp

Bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong cải cách tư pháp và là công cụ hỗ trợ đắc lực, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được tiến hành nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, UBND tỉnh và Sở Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác bổ trợ tư pháp, qua đó, nâng cao vai trò, vị thế ngành Tư pháp.

Bổ trợ tư pháp gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý, thanh lý tài sản... Đây không chỉ là hoạt động dịch vụ pháp lý liên quan trực tiếp đến lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó, có các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người khuyết tật. Ảnh: Trường Khanh

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người khuyết tật. Ảnh: Trường Khanh

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động này, Sở Tư pháp kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng bổ trợ tư pháp trong bối cảnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Việc thành lập, cấp giấy đăng ký hoạt động, bổ nhiệm giám định viên tư pháp và đăng ký hành nghề các chức danh bổ trợ tư pháp từng bước được chuẩn hóa, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Một trong những nội dung bổ trợ tư pháp phổ biến, gần gũi nhất với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động công chứng. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Sở Tư pháp phối hợp triển khai ứng dụng của Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, Sở Tư pháp đã trang bị thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân tại một số tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức ký quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót.

Năm 2024, các tổ chức thực hiện công chứng trên địa bàn tỉnh đã giải quyết hơn 15.000 việc với tổng lệ phí công chứng thu được gần 3,8 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Hoạt động công chứng đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người dân, về cơ bản đã tạo được sự thuận tiện, thân thiện và tin cậy đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng.

Góp phần vào thành công của công tác bổ trợ tư pháp có vai trò của của các tổ chức hành nghề luật sư. Trong năm 2024, Đoàn Luật sư đã thực hiện gần 1.900 vụ, việc các loại, trong đó, tham gia tố tụng hơn 300 vụ án, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác gần 900 vụ; trợ giúp pháp lý hơn 700 việc, vụ việc.

Những lĩnh vực khác như giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại... cũng đã đi vào nền nếp và có nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa lĩnh vực bổ trợ tư pháp trở thành yếu tố quan trọng, công cụ đắc lực trong việc bảo vệ công lý, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt các văn bản của Trung ương và tỉnh trong lĩnh vực này, tạo kỷ cương, tuân thủ pháp luật trong hành nghề của các tổ chức bổ trợ tư pháp.

Thành lập các tổ chức bổ trợ tư pháp thật sự có uy tín, chuyên nghiệp. Chú trọng xây dựng phòng công chứng, trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các tổ chức hành nghề. Xây dựng, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá tài sản, tối đa hóa tài sản cho Nhà nước, có sự tham gia rộng rãi của người có nhu cầu mua tài sản đấu giá.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm để hoạt động bổ trợ tư pháp đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, góp phần đắc lực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123108//nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-bo-tro-tu-phap