Nâng cao hiệu quả hoạt động đoàn, đội trong các trường học
Những năm gần đây, công tác đoàn, đội trong trường học luôn được các cấp bộ đoàn quan tâm đẩy mạnh với nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), đội viên tham gia, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các nhà trường.
Học sinh Trường THCS Lộc Sơn (Hậu Lộc) tham quan phòng truyền thống đoàn, đội của nhà trường.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đoàn, đội của khối trường học trên địa bàn huyện Hậu Lộc, nhiều năm qua, Liên đội Trường THCS Lộc Sơn luôn đẩy mạnh các phong trào, như “Thầy đi trước, trò đi sau”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Xung kích bảo vệ môi trường”... Thông qua các phong trào, nhiều việc làm đã được cụ thể hóa cho các em học sinh như tham gia tọa đàm về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, các hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông, môi trường học đường không ma túy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Thầy giáo Đỗ Tất Hoàn, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Lộc Sơn chia sẻ: “Trong công tác giáo dục, việc học kiến thức từ trường lớp, thầy cô, sách vở là chưa đủ để phát triển toàn diện nhân cách, đạo đức, lối sống và kỹ năng cho các em học sinh. Vì vậy, thông qua các phong trào, hoạt động đoàn, đội, các em có thêm điều kiện để học hỏi, trau dồi kiến thức thực tế, phát triển các kỹ năng và phát huy những tố chất, thế mạnh của mình, từ đó phục vụ việc học tập, tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, hoạt động đoàn, đội còn giúp các em biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử”.
Đối với các trường THPT, ban chấp hành đoàn trường đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thu hút đông đảo ĐVTN tham gia phong trào đoàn. Hiện, nhiều trường THPT đã thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm theo nhu cầu, sở thích, tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Đơn cử như Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) đã thành lập được các CLB văn thể, em yêu tiếng Hàn, em yêu tiếng Nhật, CLB thế hệ trẻ, xây dựng mô hình cổng trường tự quản... Mỗi CLB, tổ nhóm có hình thức hoạt động khác nhau dựa trên các tiêu chí riêng, song có chung mục tiêu là xây dựng môi trường học đường thân thiện, học sinh tích cực. Thầy giáo Lê Văn Đức, bí thư đoàn Trường THPT Chu Văn An cho hay: Nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, cùng với việc dạy học văn hóa, hằng năm, đoàn thanh niên nhà trường phát động và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, chiến dịch “hãy làm sạch biển”; tổ chức các cuộc thi do ngành và các cấp bộ đoàn phát động, như “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “Học sinh tài năng thanh lịch”, “Kỷ niệm mái trường”... Ngoài ra, đoàn trường còn thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường dưới hình thức sân khấu hóa; phát động sâu rộng phong trào “Hoa điểm 10” với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo ĐVTN, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của liên đội, chi đoàn, ban chấp hành đoàn các nhà trường, hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tập trung vào các nội dung, như: giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, pháp luật cho đoàn viên, thanh, thiếu niên; phát động các phong trào thi đua trong học tập, rèn luyện như: “Thiếu nhi Thanh Hóa thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Giúp bạn đến trường - hướng tới tương lai”, “Kế hoạch nhỏ”... Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai đến đoàn thanh niên các nhà trường phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Theo đó, đoàn thanh niên các trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa, liên hoan ca khúc cách mạng; tổ chức cho ĐVTN tham quan các khu di tích lịch sử cách mạng trong và ngoài địa phương qua hoạt động “Hành trình về địa chỉ đỏ”; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, tổ chức giao lưu trò chuyện cùng nhân chứng lịch sử... Từ phong trào thực tiễn, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: Mô hình tận dụng các vật dụng, phế thải (như vỏ nhựa, thùng sơn...) để xây dựng “Vườn hoa thanh niên”, mô hình “Một giờ vàng cho không gian xanh”, “Hàng cây thanh niên”, “Đội cờ đỏ xung kích”, “Cổng trường an toàn giao thông”...
Thực tế cho thấy, phong trào đoàn trong trường học không chỉ tạo ra sân chơi an toàn, bổ ích, góp phần nâng cao kỹ năng sống, trang bị cho ĐVTN, đội viên nền tảng kiến thức vững vàng, kỹ năng sống thiết thực trong học tập và cuộc sống mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường. Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn xác định tiếp tục mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức hoạt động đoàn, đội trong các nhà trường, đáp ứng nhu cầu của ĐVTN, đội viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong giai đoạn mới. Cùng với đó, không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung hoạt động; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong hoạt động dạy và học, trong giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống để mỗi ĐVTN, đội viên luôn có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” phấn đấu học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.