Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Quân sự, Quốc phòng, Biên phòng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ: 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định' (1). Đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quán triệt nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai, thực hiện công tác đối ngoại Quốc phòng một cách tích cực, chủ động, toàn diện, sáng tạo và hiệu quả thiết thực. Kết quả hoạt động đối ngoại Quốc phòng đã đóng góp rất quan trọng vào việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chê độ XHCN; tạo thế cân bằng trong quan hệ với các nước, góp phần ổn định chính trị, không để các thế lực thù địch “tạo cớ” gây căng thẳng, phức tạp ở biên giới, vùng biển, đảo; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế; thu hút nhiều nguồn lực để xây dựng Quân đội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giai đoạn 2011 -2020.
Quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa của công tác đối ngoại quân sự, Quốc phòng; xác định đối ngoại Biên phòng là một trong các biện pháp cơ bản của BĐBP, 5 năm qua (2015-2020), Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh các Quân khu, các lực lượng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện 5 vấn đề lớn sau đây:
Một là, tăng cường quan hệ, hợp tác thực chất, hiệu quả với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) ở tất cả 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và các đồn, trạm Biên phòng.
Hai là, xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa Quân đội, chính quyền và nhân dân Việt Nam với Quân đội, chính quyền và nhân dân các nước láng giềng. Nổi bật là tổ chức thành công các chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (lần 3, 4, 5), Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” (lần 2, 3); Giao lưu hữu nghị biên giới cấp Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với Lào và Campuchia; chỉ đạo tổ chức kết nghĩa được 180 cặp đồn, trạm Biên phòng và tham mưu cho địa phương tổ chức kết nghĩa được 207 cụm dân cư hai bên biên giới; góp phần giữ vững hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biên giới.
Ba là, thường xuyên nắm chắc tình hình trên biên giới; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, kịp thời ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; đồng thời, góp phần giúp bạn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Bốn là, chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về những vấn đề chiến lược liên quan đến biên giới quốc gia; các đề án, phương án, cơ chế phối hợp, tăng cường hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới với các nước láng giềng. Đặc biệt, đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; tích cực chuẩn bị dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 10, tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý để BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời tích cực tham mưu và trực tiếp phối hợp với các Quân khu đẩy mạnh đối ngoại quân sự, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động ngoại giao nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp về đối ngoại hai bên biên giới.
Năm là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc, xảy ra trên các tuyến biên giới như: Mồ mả của nhân dân còn chôn ở hai bên biên giới, chưa di dời; các chốt quân sự, các điểm chưa rà phá bom mìn; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới; vấn đề di cư tự do; vấn đề còn tồn đọng trong phân giới cắm mốc...
Những kết quả trên đã tạo ra cơ sở tiền đề mới, khả năng mới hết sức quan trọng, không chỉ đối với công tác đối ngoại Quốc phòng mà còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn rất phức tạp, khó lường; đặc biệt là tình hình trên Biển Đông tiềm ẩn những nguy cơ có thể xảy ra xung đột nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, công tác đối ngoại Quốc phòng đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa, tích cực, chủ động hơn nữa để thật sự trở thành phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình và đề nghị nghiên cứu một số vấn đề về công tác đối ngoại Quốc phòng, đối ngoại Biên phòng trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức và hành động, tạo sự chủ động và sáng tạo về chiến lược trong công tác đối ngoại quân sự, Quốc phòng. Tăng cường sử dụng “kênh” đối ngoại Quốc phòng vào việc xây dựng lòng tin chính trị, củng cố hòa bình; xác định các mục tiêu lớn, đối tác quan hệ, hợp tác Quốc phòng chủ chốt của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Tiếp tục quán triệt, xác định hội nhập quốc tế và đối ngoại Quốc phòng là phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc từ xa, bằng biện pháp hòa bình; kiên định chính sách Quốc phòng độc lập, tự chủ về hành động, chú trọng xây dựng, củng cố “Các phòng tuyến an ninh đối ngoại” nhiều tầng, nhiều lớp đan xen; lấy đối ngoại Quốc phòng là diễn đàn trực tiếp để vừa hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và là một trong những phương thức để thu hút nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng.
Thứ hai, chủ động mở rộng quan hệ và hợp tác về Quốc phòng một cách thiết thực, hiệu quả và đi vào chiều sâu; ưu tiên quan hệ hợp tác toàn diện, ổn định, bền vững với Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước ASEAN, các nước lớn và bạn bè truyền thống; xác định rõ nhu cầu, nội dung, hình thức và khuôn khổ hợp tác, bảo đảm phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước. Công tác đối ngoại Quốc phòng cần có bước đi phù hợp, lấy việc mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi đoàn, giao lưu làm cơ sở mở rộng hợp tác quốc tế về Quốc phòng; và phải quán triệt phương châm "lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn và trên hết” để giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại và hợp tác Quốc phòng.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến hoạt động đối ngoại Quốc phòng. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực đã và đang có những biến động mau lẹ, phức tạp. Trong nước, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề chiến lược về đối ngoại Quốc phòng.
Thứ tư, cần tiếp tục triển khai đồng bộ và toàn diện hoạt động đối ngoại Quốc phòng, bao gồm đối ngoại của Đảng, Nhà nước; đối ngoại Quốc phòng, đối ngoại quân sự của các Quân khu, Quân chủng, Binh chủng, đối ngoại Biên phòng; ngoại giao nhân dân của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp về hoạt động đối ngoại của đất nước, Quân đội.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả việc hợp tác với các nước láng giềng như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, diễn tập liên hợp, Giao lưu Quốc phòng biên giới... nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xử lý, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề nảy sinh xảy ra trên biên giới ngay từ cơ sở.
Cùng với những nội dung trên, chúng ta cần phải tiếp tục quan tâm đến những vấn đề khác, đó là: Kết hợp nhuần nhuyễn hoạt động đối ngoại Quốc phòng với các hoạt động đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, ngoại giao nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp của các lĩnh vực, các loại hình, các kênh đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên lĩnh vực đối ngoại nói chung, đối ngoại Quốc phòng nói riêng, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Cùng với đó, tập trung xây dựng chiến lược quy hoạch, tổ chức, biên chế và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng trong tình hình mới và xu thế mới.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP
(1) Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 59