Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cử tri

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, trong ngày làm việc đầu tiên (11-7), phiên họp thông qua các báo cáo 6 tháng đầu năm 2023: Kết quả hoạt động của Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Thông cáo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền; các báo cáo của cơ quan tư pháp và Chi cục Thi hành án dân sự...

Phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình đề nghị các cơ quan, đơn vị đánh giá những kết quả nổi bật trong 6 tháng qua về việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình; phân tích những khó khăn, hạn chế còn tồn tại để cử tri và đại biểu nắm bắt và góp ý xây dựng.

KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI

Một trong những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm là hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử trong thời gian qua. Thông tin từ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên cho thấy, ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành chương trình công tác năm, công tác chuẩn bị kỳ họp bảo đảm về nội dung, tiến độ, chất lượng; tổ chức Kỳ họp chuyên đề, kịp thời ban hành các nghị quyết mang tính cấp thiết, phù hợp luật định.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, theo đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức Kỳ họp thứ 8 (Kỳ họp chuyên đề) - HĐND tỉnh để xem xét thông qua 6 nghị quyết mang tính cấp thiết trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, trong đó có 2 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Hoạt động giám sát đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng, có trọng tâm, tập trung vào các vấn đề đang bức xúc; đồng thời, chủ động tổ chức khảo sát nắm tình hình, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ảnh của nhân dân đối với một số vấn đề bức xúc, phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền (huyện Tân Phú Đông).

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền (huyện Tân Phú Đông).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh tổ chức giám sát về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tham gia cùng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết 18 ngày 6-12-2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua giám sát, khảo sát, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh có kiến nghị đến các ngành, các cấp thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, thúc đẩy việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của địa phương.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri được thực hiện linh hoạt, nghiêm túc; hoạt động thẩm tra tiếp tục đổi mới, đạt hiệu quả; theo dõi, giám sát việc triển khai các Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành. Tăng cường đôn đốc việc thực hiện và theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, các kiến nghị sau giám sát, khảo sát.

Thường trực HĐND tỉnh duy trì việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp 11 lượt với 12 công dân, nhận 76 đơn (kể cả qua đường bưu điện); chuyển cơ quan chức năng xem xét 13 đơn; hoàn và hướng dẫn 20 đơn, lưu 43 đơn do không đủ điều kiện để xem xét hoặc đơn trùng lặp. Đến nay, đã nhận 9 văn bản phúc đáp kết quả giải quyết từ các cơ quan có thẩm quyền và Thường trực HĐND tỉnh đã thông tin, phúc đáp kết quả giải quyết cho công dân đúng theo quy định...

CỬ TRI KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ BẤT CẬP

Trong thông báo công tác Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Chí Trung cho biết, cử tri và nhân dân tỉnh đánh giá cao sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành toàn diện, có trọng tâm của UBND tỉnh, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân quan tâm nhiều về những thách thức trong việc duy trì và mở rộng vùng trồng cây đặc sản xuất khẩu như: Thanh long, sầu riêng...; một số sản phẩm chăn nuôi có giá giảm như trứng gà, heo thịt... nhưng giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón vẫn duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế các loại cây trồng; bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên heo và bệnh tả heo Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên bò... đã ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Đồng chí Nguyễn Chí Trung trình bày thông báo về hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến kỳ họp

Đồng chí Nguyễn Chí Trung trình bày thông báo về hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến kỳ họp

Các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, rau quả chế biến... sụt giảm đơn hàng xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất. Sản xuất công nghiệp phát triển chưa bền vững, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp; thu hút đầu tư về công nghiệp còn thiếu những sản phấm có giá trị gia tăng cao. Các dự án có quy mô khá chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi các dự án trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sức cạnh tranh thấp; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là sơ chế hoặc gia công, vẫn chưa hình thành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp công nghệ cao.

Cử tri và nhân dân còn cho rằng lĩnh vực thương mại chưa khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vai trò gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng của thương mại còn hạn chế, chưa hình thành và phát triến được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Phát triển du lịch còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Ngành Y tế vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khám và điều trị bằng bảo hiểm y tế…

Tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, điển hình là cờ bạc, trộm, cướp giựt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; tội phạm về kinh tế, tài nguyên, môi trường...; cải cách hành chính có sự tập trung nhưng nhìn chung còn gây phiền hà cho người dân; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực tài nguyên - môi trường còn hạn chế, nhất là đối với cấp cơ sở...

Cư tri kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với các trường hợp hiến đất theo tinh thần Công văn 1624 ngày 26-4-2018 của UBND tỉnh. Tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai cho đội ngũ công chức ở cấp cơ sở. Xem xét có giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả “đất công” trên địa bàn tỉnh để tránh lãng phí nguồn lực về đất đai. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thi hành Luật Đất đai và hoạt động của các văn phòng, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; nâng cao chất lượng hòa giải, giải quyết khiến nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đảm bảo kịp thời theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, trong các tháng qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường họp buôn bán phân bón, thức ăn thủy hải sản giả, không đảm bảo chất lượng, giả nhãn hiệu... được dư luận nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân chưa đồng tình việc cơ quan chức năng công khai thông tin chưa rõ ràng, chưa đủ sức răn đe.

Để nâng cao tính răn đe và hạn chế rủi ro cho người nông dân, cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp và công khai rõ tên cơ sở, địa chỉ, tên tuổi người vi phạm, vấn đề này đã được kiến nghị trong các kỳ họp trước nhưng chưa được xem xét điều chỉnh.

Ngoài ra, cử tri mong muốn, các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường đạo đức công vụ, nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ lãnh đạo và công chức cấp xã; có giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; nâng cao chất lượng khám, điều trị bảo hiểm y tế; tăng cường kiểm định chất lượng nước sinh hoạt và đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là các khu vực còn khó khăn; tăng cường quan lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các sản phấm chế biến sẵn, các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống...

HOÀI THU - CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/ky-hop-thu-9-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-nam-bat-tam-tu-nguyen-vong-cu-tri-984322/