Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ
Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) làm trung tâm trong hoạt động triển khai thực hiện hỗ trợ theo cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt được kết quả tích cực, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, HTX trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu.
Giai đoạn 2021 - 2030, Sở KH&CN tham mưu cho tỉnh hỗ trợ 25 lượt tổ chức doanh nghiệp, HTX, cá nhân với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Đặt hàng triển khai thực hiện đối với 5 dự án thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng kết quả sản phẩm dự án trên 1 tỷ đồng (các dự án tập trung cho việc tạo lập, xác lập quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng nhãn hiệu dùng chung trong cộng đồng: nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù của các địa phương trên địa bàn tỉnh) và 2 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 1 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp trên 1 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp 48 văn bằng bảo hộ/137 đơn đăng ký hợp lệ (trong đó, kết quả đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ từ năm 2022 - 2023 tăng khá cao (gấp trên 3 lần) so với các năm trong giai đoạn trước (năm 2022 có 41 đơn, năm 2023 có 46 đơn, trong khi trung bình cả giai đoạn 2010 - 2020 toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 12 đơn/năm).
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai ở các cấp, giai đoạn 2020 - 2023, cấp quốc gia có 7 nhiệm vụ với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; cấp tỉnh có 32 đề tài, dự án KH&CN; cấp cơ sở 6 đề tài, 2 nhiệm vụ hợp tác với Viện Hàn lâm; ngân sách sự nghiệp KH&CN hằng năm tỉnh bố trí từ 9 - 11 tỷ đồng và bố trí ngân sách sự nghiệp KH&CN cho các nhiệm vụ cấp cơ sở từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh theo kế hoạch hằng năm, năm 2023, Sở KH&CN tham mưu UBND ban hành Quyết định số 1193/QĐ-UBND, ngày 14/9/2023 về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ theo Nghị quyết số 93/2021/NQ-HĐND, thực hiện năm 2023, 2024 với 4 nhiệm vụ tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương, trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược liệu như: đề tài sản xuất giống dẻ, mở rộng diện tích cây dẻ Trùng Khánh, ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tảo xoắn. Ngoài ra, 5 nhiệm vụ đang được thành lập và triển khai trong năm 2024 với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 93 là 2,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ 11 lượt doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng với tổng số tiền 350 triệu đồng. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đã chính thức đưa vào vận hành ngày 16/5/2024. Hiện nay, có 170 sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh được cập nhật dữ liệu thông tin sản phẩm lên hệ thống tại địa chỉ http://truyxuatnguongoc.caobang.gov.vn và 99 cơ quan quản lý, doanh nghiệp được khai báo đăng ký tài khoản.
Việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc áp dụng KH&CN để nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-3173040.html