Nâng cao hiệu quả hoạt động luật sư
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tạo ra diện mạo mới với những kết quả hết sức tích cực, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của đội ngũ luật sư, đồng thời cũng đặt ra những thách thức và cơ hội mới trong tình hình hiện nay.
Tiếp nối tinh thần đổi mới nêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, có hai nhiệm vụ rất quan trọng liên quan định chế luật sư được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW là: Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình. Hơn nữa, đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.
Vừa qua, tại cuộc làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Liên đoàn cố gắng thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định, được đội ngũ luật sư tin cậy giao phó, có nhiều đóng góp trong hoạt động tư pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và các doanh nghiệp, tích cực tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trợ giúp pháp lý, rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự và ổn định xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, thật sự có nhiều đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội...
Một thành quả rõ nét trong quá trình đưa Nghị quyết số 49-NQ/TW đi vào đời sống chính là vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tham gia góp ý, xây dựng hoàn thiện pháp luật, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đề xuất và xây dựng được chương V mới về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; chuyển tải và ghi nhận những nguyên tắc cơ bản mới như suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; đơn giản hóa thủ tục đăng ký tham gia tố tụng, tạo vị thế bình đẳng về chỗ ngồi với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015... Thực tiễn tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, nhất là các vụ đại án đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng đã khẳng định vai trò quan trọng, vị thế bình đẳng trong thực hiện chức năng bào chữa là một trong ba chức năng cơ bản, tạo thế kiềng ba chân, phản ánh trong một chừng mực nhất định bản chất dân chủ trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Xét trên phương diện thực tiễn tham gia tố tụng của đội ngũ luật sư, có thể khẳng định tư tưởng, mục tiêu và các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đề ra đã thật sự đi vào đời sống, vẫn giữ nguyên giá trị nền tảng cho các chủ thể tư pháp vận hành trong một thể chế thống nhất. Nghị quyết đã tạo vị thế và bước đột phá mới cho đội ngũ luật sư thực hiện được sứ mệnh và chức năng xã hội cao quý, sau đó đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Tuy nhiên, trước sự chuyển biến rất nhanh và phức tạp trên các mặt kinh tế, xã hội, đời sống tư pháp và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; tổ chức và hoạt động luật sư cũng đang đứng trước những thách thức và cơ hội rất lớn. Thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị 33-CT/TW, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thức được việc hoàn thiện các quy chế vận hành nội bộ nhằm nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và tuân thủ nghiêm túc các quy định trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nhằm nâng cao tố chất nội lực, xây dựng văn hóa ứng xử nghề nghiệp, vun đắp lòng tin của các chủ thể xã hội đối với đội ngũ luật sư.
Mặt khác, vấn đề tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho luật sư hành nghề, từng bước phủ kín các phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó chú trọng xây dựng được những tổ chức hành nghề tư vấn, tham gia trợ giúp pháp lý có hiệu quả cho các cá nhân, doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các đối tượng chính sách, hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, cản ngại trong quá trình tham gia tố tụng các vụ án hình sự… được coi là các nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian tới. Nếu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, nâng cao chất lượng, uy tín của mỗi cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẽ là minh chứng rõ nét Nghị quyết số 49-NQ/TW vẫn còn giữ nguyên giá trị và tạo động lực cho sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.
Sau 10 năm thành lập, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có được ngôi nhà chung, phát triển và trưởng thành vượt bậc. Nếu thời điểm ban hành Pháp lệnh Luật sư năm 1987 cho đến năm 1989, cả nước chỉ có 186 luật sư; đến thời điểm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam có 5.300 luật sư; thì hiện nay, cả nước có 13.770 luật sư chính thức, hơn 5.000 người tập sự hành nghề luật sư, trung bình mỗi năm tăng gần 1.000 luật sư.
Luật sư, TS PHAN TRUNG HOÀI Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam