Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi
Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chung khát vọng về độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi còn nhiều dư địa và tiềm năng để tạo thêm động lực mới, đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông - châu Phi trong năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, với nhiều điểm sáng nổi bật, như:
Thứ nhất, quan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè truyền thống khu vực được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất. Về đa phương, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm và ghi nhiều dấu ấn quan trọng như thiết lập quan hệ với Liên minh châu Phi (AU), lần đầu tiên triển khai lực lượng công binh gồm 184 sĩ quan tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại khu vực Abyei (UNISFA).
Liên hợp quốc và các nước châu Phi đánh giá cao Việt Nam về đóng góp trách nhiệm trong nỗ lực kiến tạo hòa bình khu vực. Các nước Trung Đông - châu Phi cũng đề cao vai trò, vị thế quốc tế và tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, mở ra nhiều hướng đi mới. Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ban, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030, được địa phương và doanh nghiệp đánh giá cao, nhằm góp phần khai mở thị trường mới tiềm năng với tổng quy mô dự kiến đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2024.
Nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập hiệu quả vào các thị trường tiềm năng trong khu vực với các sản phẩm như gạo, điều, nông, thủy sản, du lịch… đã được triển khai mạnh mẽ, đưa hợp tác với khu vực đi vào chiều sâu, thực chất. Kim ngạch thương mại năm 2022 giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi đạt 25 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021.
Việt Nam đã thu hút 637 dự án đầu tư từ các nước Trung Đông - châu Phi với tổng vốn đăng ký đạt 4,12 tỷ USD và đầu tư vào 37 dự án tại khu vực với tổng vốn đăng ký là 2,6 tỷ USD. Các dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực xây dựng hình ảnh phát triển năng động của đất nước, doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp chung vào sự phát triển của khu vực. Việt Nam đã tích cực vận động một số đối tác tiềm năng như Saudi Arabia và Kuwait… cung cấp vốn vay ưu đãi cho một số dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực khó khăn của Việt Nam.
Hợp tác phát triển cũng là điểm sáng trong quan hệ khi Việt Nam bước đầu nối lại thành công kênh hợp tác phát triển, hợp tác Nam - Nam với khu vực thông qua dự án nông nghiệp ba bên Việt Nam - Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) - Sierra Leone về phát triển lúa gạo do FAO tài trợ trị giá 5 triệu USD.
Thứ ba, ngoại giao văn hóa và tuyên truyền đối ngoại với khu vực đã được thúc đẩy với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, góp phần quảng bá về sự đổi mới, phát triển năng động của đất nước, con người và bề dày lịch sử, văn hóa của Việt Nam tới bạn bè khu vực, nổi bật là việc khánh thành cổng Việt Nam tại Morocco, quảng bá và tổ chức các giải võ cổ truyền Vovinam tại Algeria; đồng thời cũng thông tin về sự phát triển văn hóa, kinh tế xã hội của khu vực tới người dân Việt Nam như triển lãm ảnh Angola, quảng bá di sản văn hóa Iran tại Việt Nam…
Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều yếu tố bất định; kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, tìm hướng đi mới, cách làm mới, để đưa quan hệ với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, thực chất và góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Ngoại giao xác định triển khai một số trọng tâm hợp tác với các nước khu vực theo hướng sau:
Tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao với các kết quả cụ thể; triển khai thực chất, hiệu quả Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi trong năm 2023 và các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế song phương và đa phương với khu vực; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thiết lập quan hệ ngoại giao, củng cố, kiện toàn mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao cũng như khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực.
Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, trong đó chủ động triển khai tích cực Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có đủ năng lực đảm nhận và đóng góp tích cực đối với các trọng trách quốc tế, các vấn đề chung toàn cầu, đặc biệt thông qua việc tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi và các nhiệm vụ nhân đạo quốc tế khác.
Đổi mới trong công tác ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền, tổ chức hiệu quả các tuần, ngày Việt Nam, trao đổi đoàn văn hóa, nghệ thuật, thể thao; đẩy mạnh công tác thông tin - tuyên truyền hai chiều với các hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù khu vực.
Chủ động, tích cực tham mưu, dự báo, quán triệt phương châm nghiên cứu là “gốc” của công tác đối ngoại, tập trung vào tình hình nội trị, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Chú trọng hơn nữa đến công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, sẵn sàng trước các vấn đề phát sinh bất ngờ, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ, phục vụ, lấy sự hài lòng của công dân làm thước đo hiệu quả.