Nâng cao hiệu quả kiểm toán nội bộ tại ngân hàng thương mại

THS. NGUYỄN THÙY LINH (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Những biến động của thị trường tài chính đã làm gia tăng rủi ro trong các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cần có công cụ hữu hiệu để có thể đánh giá được tính hiệu quả của các nguồn lực, cũng như các dự án trong nội bộ tổ chức. Thực hiện công tác kiểm toán nội bộ hiệu quả là một giải pháp tối ưu, mang tính chiến lược và cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này trong quá trình thực hiện tại các ngân hàng thương mại còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm về cả lý luận lẫn thực tiễn.

Bài viết đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán nội bộ tại ngân hàng thương mại.

Từ khóa: Kiểm toán nội bộ, ngân hàng thương mại, hiệu quả.

1. Đặt vấn đề

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động. Thị trường tài chính - ngân hàng phát triển nhanh chóng với nhiều hoạt động mới, sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới, đồng thời cũng chịu tác động lớn từ bên ngoài do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, những yếu kém, tồn tại về quản trị, điều hành và vi phạm pháp luật trong hoạt động tuy đã bộc lộ tại nhiều ngân hàng nhưng lại chưa được kịp thời khắc phục, xử lý. Vấn đề này đặt công tác cảnh báo, nhận diện, đo lường và kiểm soát rủi ro của các ngân hàng ở Việt Nam trước nhiều khó khăn và thách thức.

Thực tế được Ngân hàng Nhà nước đề cập cụ thể như, đối với công tác quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, có tình trạng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành tại một số ngân hàng chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Các quy trình, quy định nội bộ chưa được tổ chức tín dụng ban hành đầy đủ, nội dung chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) chưa tách bạch chức năng giám sát của hội đồng quản trị và ban điều hành; chức năng giám sát của ban kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng chưa bao quát toàn bộ các sai phạm, vấn đề rủi ro cao; hệ thống báo cáo kiểm soát nội bộ định kỳ chưa đáp ứng được yêu cầu và vận hành kém hiệu quả.

Đối với kiểm toán nội bộ, ta có thể thấy: Bộ phận kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng thậm chí còn chưa có đủ thành viên, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Quy trình kiểm toán nội bộ chưa được xây dựng; Phương pháp kiểm toán nội bộ không định hướng theo rủi ro (risk-focused); Hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ chưa đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ tại các ngân hàng thương mại chỉ xây dựng chương trình kiểm toán với nội dung chủ yếu là kiểm toán tuân thủ mà chưa kiểm tra hiệu suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Do đó, các vấn đề ghi nhận mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa đánh giá xác thực tổng thể về hoạt động kinh doanh nói chung và kết quả tài chính nói riêng. Điều này có nguy cơ dẫn đến rủi ro kiểm soát, tức là báo cáo kiểm toán hoặc không đủ, không đúng, không kịp thời hoặc không đưa ra được biện pháp ngăn chặn và xử lý rủi ro phù hợp.

2. Đánh giá thực trạng kiểm toán nội bộ tại ngân hàng thương mại 2.1. Về hoạt động kiểm soát:

Về cơ bản, các ngân hàng thương mại đã ban hành các quy định, nhưng chưa thực sự mô tả đầy đủ nhiệm vụ của các thành viên trong tổ chức. Tại một số tổ chức tín dụng, có thành viên của HĐQT tham gia trực tiếp vào việc phê duyệt các giao dịch/quyết định kinh tế cụ thể; cũng có một số trường hợp thì Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên HĐQT đồng thời là thành viên của Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư sẽ tham gia và quyết định phê duyệt các giao dịch kinh tế cụ thể. Tuy điều này có thể tạo điều kiện cho Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên HĐQT vừa tham gia điều hành kinh doanh hàng ngày vừa giám sát hoạt động, nhưng vai trò giám sát của HĐQT sẽ bị giảm hiệu lực.

Các ngân hàng thương mại đã xây dựng quy trình nghiệp vụ đầy đủ, thiết lập các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm nhưng tính hiệu lực của các hoạt động kiểm soát này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ quy định từ phía cán bộ, nhân viên. Thực tế cho thấy, hiện nay còn xảy ra nhiều sai phạm trong các hoạt động của ngân hàng, khi nhân viên lợi dụng điểm yếu, những lỗ hổng trong hệ thống KSNB.

Nghiệp vụ tín dụng là một trong những nghiệp vụ chủ yếu của các ngân hàng thương mại, đây là nghiệp vụ chứa đựng nhiều rủi ro, cũng như sai phạm. Sai phạm của các ngân hàng thương mại thường liên quan đến việc không tuân thủ quy định về lưu trữ hồ sơ; làm giả hồ sơ, giấy tờ, chữ ký,...

Ngoài ra, quy trình cấp tín dụng, giám sát thực hiện hợp đồng tín dụng cũng chưa được tuân thủ đầy đủ, như: cấp tín dụng không đúng đối tượng khách hàng, chấm điểm tín dụng chưa chính xác, áp dụng sai mã sản phẩm…; không thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, giám sát khoản vay…; thực hiện giao dịch vượt thẩm quyền;...

Các ngân hàng thương mại chưa chú trọng đến hoạt động như: Kiểm soát môi trường, công nghệ thông tin qua chiến lược phát triển công nghệ thông tin, thủ tục thiết lập và phát triển chương trình; Thủ tục sử dụng báo cáo bất thường, thiết lập đường dây nóng để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề bất thường, các sai sót do gian lận và nhầm lẫn; Thủ tục yêu cầu các cấp quản lý trung gian báo cáo ngay với lãnh đạo mọi trường hợp gian lận, nghi ngờ gian lận, vi phạm nội quy, quy định của ngân hàng cũng như các quy định pháp luật làm giảm uy tín và gây thiệt hại về kinh tế cho ngân hàng,...

2.2. Về giám sát các kiểm soát

Cơ bản các NHTM hiện chưa thực hiện duy trì thành phần giám sát các kiểm soát, nên điểm trung bình rất thấp. Trong quá trình hoạt động, các nhà quản lý cấp cao chưa thực sự quan tâm tới việc kiểm soát thường xuyên, chỉ khi có những sự kiện bất thường xảy ra mới thực hiện kiểm soát.

Hiện nay, bộ phận kiểm toán nội bộ về cơ bản đều được thành lập ở tất cả các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cán bộ thuộc bộ phận này thường không đảm bảo số lượng phù hợp với quy mô của ngân hàng. Hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ đã tiến hành kiểm tra một số hoạt động, một số đơn vị tại ngân hàng, phát hiện tồn tại, thiếu sót và kiến nghị các biện pháp khắc phục.

Số đơn vị được kiểm toán so với mạng lưới hoạt động cho thấy hoạt động kiểm toán còn mỏng, chưa kiểm tra được nhiều đơn vị trong hệ thống và nội dung kiểm tra chưa toàn diện, nên chưa đánh giá tổng quát được hoạt động của ngân hàng, chưa ngăn chặn kịp thời các vi phạm tồn tại.

Các ngân hàng thương mại đã có quy định về thực hiện đánh giá hệ thống KSNB định kỳ nhưng báo cáo chưa đi sâu đánh giá các nguyên tắc căn bản của hệ thống, mà chủ yếu là: mô tả cơ cấu tổ chức của ngân hàng; tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán trong năm; rà soát hệ thống các văn bản, quy định nội bộ; vai trò của các đơn vị trong hệ thống quản trị rủi ro còn hạn chế;...

3. Giải pháp hoàn thiện kiểm toán nội bội tại ngân hàng thương mại

Thứ nhất, giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý

Hoàn thiện các quy định an toàn, các biện pháp thận trọng trong hoạt động ngân hàng - các quy định, chính sách quản lý các loại hình tổ chức tín dụng. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình thanh tra, giám sát phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ ngân hàng và trên cơ sở áp dụng các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng có hiệu quả của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel và các Chuẩn mực quốc tế về Giám sát Ngân hàng (Hiệp ước vốn Basel năm 1988 - Basel I). Từng bước tiến tới thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản theo Hiệp ước Basel vốn mới (Basel II) sau năm 2010.

Thứ hai, giải pháp hoàn thiện môi trường kiểm soát

- Hoàn thiện môi trường kiểm soát là nền tảng xây dựng các thành phần còn lại của KSNB.

- Xây dựng hệ thống KSNB đầy đủ, hiệu quả. Phối hợp các bộ phận liên quan, bổ sung các công cụ quản lý tiên tiến, giảm thiểu sai sót mang tính đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, giải pháp hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro

Cần xây dựng và duy trì hoạt động bộ phận quản lý rủi ro với kênh thông tin đầy đủ nhằm phân tích, đánh giá, nhận diện rủi ro kịp thời để tránh, không chỉ là ngăn ngừa và phát hiện như hiện tại. Xây dựng hệ thống lỗi, sai phạm của các nghiệp vụ.

Thứ tư, giải pháp hoàn thiện hoạt động kiểm soát

Cần quy định rõ ràng công việc của các vị trí trong tổ chức; kiểm soát quá trình xử lý thông tin, như: kiểm soát hoạt động của trung tâm dữ liệu, kiểm soát phần mềm hệ thống, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu, kiểm soát việc truy cập hệ thống.

Thứ năm, giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin và truyền thông

Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển hệ thống quản lý nội bộ, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành ngân hàng.

Thứ sáu, giải pháp hoàn thiện giám sát các kiểm soát

Hoàn thiện giám sát các kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch và tăng cường sự giám sát của HĐQT. Ngân hàng cần tách bạch giữa chức năng giám sát của HĐQT với chức năng điều hành kinh doanh của Ban Điều hành. Thành viên HĐQT không nên trực tiếp phê duyệt các giao dịch kinh tế cụ thể.

Hoàn thiện hệ thống KSNB theo COSO

Hoàn thiện hệ thống KSNB theo COSO 1992 và 17 nguyên tắc mở rộng của COSO 2013, theo mô hình kết cấu bởi 5 thành phần cấu thành của hệ thống KSNB.

Thứ bảy, giải pháp hoàn thiện về việc đánh giá hệ thống KSNB

Hoàn thiện việc đánh giá hệ thống KSNB dựa trên 3 tuyến phòng thủ, gồm:

(i) Tuyến phòng thủ đầu tiên là lớp trực tiếp giao dịch với khách hàng.

(ii) Tuyến phòng thủ thứ hai là khối phê duyệt.

(iii) Tuyến phòng thủ thứ ba là hệ thống các phòng ban giám sát sau khi thực hiện giao dịch, giải ngân,…

Ngoài ra, cần đánh giá hiệu quả của các chốt kiểm soát trong hệ thống KSNB. Cụ thể, chỉ ra các chốt kiểm soát trong quy trình được thiết kế và vận hành nhằm ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng tới việc đạt mục tiêu của NHTM, bao gồm: mục tiêu hoạt động, mục tiêu liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính và mục tiêu tuân thủ.

Thứ tám, giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực

Thường xuyên đào tạo các kiểm toán viên đối với việc đánh giá KSNB; thường xuyên tích lũy thêm các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Quốc hội (2014), Luật Các Tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011), Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Vũ Thúy Ngọc (2006), Hệ thống kiểm soát nội bộ của một số ngân hàng hiện đại. Tạp chí Ngân hàng, số 9/2006.

Improving the effectiveness of internal audit activities at commercial banks in Vietnam

Master. Nguyen Thuy Linh

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Commercial banks will face higher risks when fluctuations in financial markets occur. It is important for commercial banks to have effective tools that help them assess the effectiveness of their resources and projects. Implementing effective internal audit is an optimal and strategic solution for commercial bank in the context of current conditions.

However, the implementation of internal audit activities at commercial banks in Vietnam is quite ineffective due to the lack of experience in both theory and practice. This article assesses the status quo of internal audit at commercial banks in Vietnam, thereby proposing solutions to improve the efficiency of internal audit at Vietnamese commercial banks.

Keywords: Internal audit, commercial bank, effective.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-hieu-qua-kiem-toan-noi-bo-tai-ngan-hang-thuong-mai-72290.htm