Nâng cao hiệu quả kinh tế ngành chế biến gỗ

Thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ. Nhưng trên thực tế, ngành chế biến gỗ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn một số bất cập.

Kỳ I: Chưa xứng tiềm năng

Xưởng chế biến gỗ của Công ty cổ phần Gemmy Wood (Lô B9, Khu Công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì).

Những năm qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển rừng và chế biến gỗ (CBG) của Chính phủ, tỉnh đã sớm quan tâm, ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm phát triển lâm nghiệp và phát triển ngành công nghiệp CBG và lâm sản trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; các Nghị quyết của HĐND tỉnh về các cơ chế, chính sách hỗ trợ có liên quan như hỗ trợ thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển rừng - nguồn nguyên liệu phục vụ ngành CBG. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách đó đã tác động tích cực đối với tình hình sản xuất, phát triển rừng nói chung và ngành CBG của tỉnh nói riêng. Hàng năm, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt khoảng 10.000ha, trồng khoảng 2,0 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ khai thác đạt 718.121m3, trong đó gỗ nguyên liệu giấy 466.779m3 (chiếm 65% sản lượng gỗ khai thác). Diện tích rừng trồng và tỷ lệ che phủ rừng ngày một tăng, chỉ tính riêng năm 2020 đến năm 2021, diện tích rừng trồng toàn tỉnh đã tăng 769ha, độ che phủ rừng tăng từ 39,8% lên 40%.

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô lớn, đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc chế biến tiên tiến, tham gia chế biến sâu như: Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH GREENWOOD, Công ty cổ phần thương mại và sản xuất LTS, Công ty TNHH Arrow Forest International, Công ty CP Gemmy wood... Qua đó góp phần dần hình thành trung tâm sản xuất, CBG của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở chế biến, trong đó có khoảng 680 cơ sở chế biến đang hoạt động, trong đó có: 207 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 766 hộ kinh doanh cá thể, ngoài ra còn có trên 2.000 hộ gia đình tham gia CBG, đóng đồ mộc gia dụng. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hàng nghìn lao động và hàng chục nghìn lao động tham gia trồng, khai thác và dịch vụ liên quan đến nghề rừng... Các cơ sở CBG của tỉnh sản xuất đa dạng các sản phẩm như: Giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván MDF, đồ mộc gia dụng, ván ghép thanh, viên gỗ nén, củi ép, than củi, bao bì công nghiệp. Sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở cả thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ...

Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về sản xuất, CBG đã được quan tâm: Đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho năm doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; hai đề án khuyến công địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho hai cơ sở sản xuất; ngành KHCN đã hỗ trợ triển khai nhiều đề tài, dự án về phát triển rừng sản xuất, phát triển nguyên liệu, nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng, xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở CBG,...

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, thẳng thắn nhìn nhận, các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển và tình hình thực tiễn ngành CBG của tỉnh vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu và còn một số bất cập. Tình hình phát triển rừng nói chung và CBG của tỉnh nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để có thể đóng góp nhiều vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước hết, tỉnh chưa có Đề án để định hướng phát triển ổn định, bền vững cho ngành CBG, nhất là định hướng về thị trường tiêu thụ và các sản phẩm gỗ chế biến chủ đạo, có lợi thế của tỉnh. Thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp và ngành công nghiệp CBG. Tuy nhiên, ngành công nghiệp CBG của tỉnh vẫn còn thiếu định hướng mang tính tổng thể, dài hạn gắn với hệ thống chính sách đồng bộ; đặc biệt là thiếu gắn kết giữa quy hoạch phát triển rừng với ngành CBG và lâm sản. Một số chính sách hỗ trợ chủ yếu dành cho khuyến khích phát triển rừng, hoặc một số cơ chế hỗ trợ đặc thù mới dừng lại ở mô hình hoặc khuyến khích nhỏ, chưa đủ mạnh để tạo sức lan tỏa, tạo bước phát triển bứt phá, đặc biệt là chưa đủ để tác động vào những khâu then chốt, điểm nghẽn nhằm tạo ra động lực đột phá cho ngành công nghiệp CBG của tỉnh.

Việc quy hoạch, sắp xếp hoạt động sản xuất, chế biến gỗ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, việc thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu, đầu tư thiết bị, máy móc tiên tiến còn ít, còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ, lẻ phát triển quá nhanh và tự phát, không gắn với vùng nguyên liệu... Đặc biệt là hiện tượng thu mua gỗ nguyên liệu hoặc sản xuất sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp để xuất khẩu còn diễn ra phổ biến, gây thiếu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên.

Hiện tại, quy mô của phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CBG là nhỏ và yếu; năng lực quản trị, sản xuất còn hạn chế; công nghệ, thiết bị chế biến lạc hậu; hiệu quả doanh nghiệp thấp, chưa sản xuất được nhiều sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, chưa tạo được thương hiệu gỗ của tỉnh Phú Thọ. Hiệu quả doanh nghiệp CBG đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2021 của ngành Thống kê cho thấy, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp CBG đạt thấp so với trung bình các doanh nghiệp toàn tỉnh, cả ba chỉ số hiệu suất sinh lời đều mang giá trị âm (-) như: Hiệu suất sinh lợi trên tài sản ROA (%) -0,01; hiệu suất sinh lợi trên vốn ROE (%) -0,03; hiệu suất sinh lợi trên doanh thu ROS (%) - 0,01.

Chất lượng gỗ nguyên liệu thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng của các vùng nguyên liệu; việc khai thác cây nguyên liệu chưa đủ tuổi, kích thước nhỏ diễn ra phổ biến, chưa đáp ứng để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, phần lớn dùng làm nguyên liệu giấy, ván bóc, ván ép,… gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị kinh tế của người trồng rừng, nhất là còn hạn chế quá trình thiết lập chuỗi hành trình sản phẩm CoC. Hiện tại, với 718.121m3 gỗ khai thác/năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 47,3% nhu cầu cho các chế biến, 645.740m3 (khoảng 52,7%) còn lại phải nhập từ các tỉnh khác, từ nước ngoài.

Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn rất hạn chế. Hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người trồng rừng còn rất yếu, chưa gắn kết với chuỗi giá trị từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến, tiêu thụ làm giảm giá trị gia tăng ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, đặc biệt là gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên sau khai thác.

Chất lượng nguồn nhân lực lao động, làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ gỗ còn hạn chế. Phần lớn lao động tại các cơ sở chế biến là lao động thủ công, hiệu quả và năng suất lao động thấp; lao động có trình độ cao được đào tạo sâu về công nghệ chế biến, kiến thức, kinh nghiệm giao dịch, thương mại còn rất hạn chế. Hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chưa có chương trình đào tạo về ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ngay cả nguồn nhân lực quản trị tại các doanh nghiệp CBG cũng còn rất hạn chế như tỷ lệ giám đốc chưa qua đào tạo chiếm đến 17,4%, cao gần gấp đôi tỷ lệ các doanh nghiệp chung toàn tỉnh (9,0%); tỷ lệ giám đốc có trình độ đào tạo sơ cấp và dưới ba tháng chiếm 13,8%, cao hơn 5,6% so với tỷ lệ chung các doanh nghiệp toàn tỉnh...

Kỳ II: Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Th.s Khổng Mạnh Tiến

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-nganh-che-bien-go/191537.htm